Những ngày đầu tháng 11, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn huyện Điện Biên và tại Trường THPT huyện Điện Biên có trường hợp học sinh dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Chính vì vậy, từ ngày 5/11, Trường THPT huyện Điện Biên đã tổ chức dạy học trực tuyến thay vì học trực tiếp để phòng, chống dịch bệnh lây lan. Dạy trực tuyến đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo phải sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, Trường THPT huyện Điện Biên chia sẻ: “Mấy tuần vừa qua, nhà trường đã tổ chức dạy trực tuyến. Ban đầu các em học sinh chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin nên gây ra những gián đoạn cho việc học. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của giáo viên, đặc biệt là chúng tôi đã áp dụng công nghệ vào trình chiếu, đa dạng các phương pháp giảng dạy nên học sinh dễ dàng hơn khi tương tác với giáo viên qua các nền tảng công nghệ số. Và thực tế là để giảng dạy một tiết học trực tuyến phải vất vả hơn một tiết dạy trực tiếp; vì dạy học trực tuyến giáo viên hầu như phải sử dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận gần hơn với công nghệ và để làm được điều đó, những thầy, cô giáo như tôi phải chủ động hơn trong việc nghiên cứu, soạn bài giảng điện tử, để các em tiếp thu bài giảng tốt hơn…”.
Để đội ngũ giáo viên không bỡ ngỡ với các phương pháp dạy học trực tuyến, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm công tác tập huấn về phương pháp dạy học này nên các thầy, cô giáo đã chủ động hơn, tiếp cận nhanh hơn với công nghệ thông tin. Cô giáo Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên cho biết: Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo trong nhà trường đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh dạy học trực tuyến thì để thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã sử dụng các phần mềm trong quản lý tài chính, điểm điện tử, học bạ điện tử, các văn bản cũng được đội ngũ giáo viên trong nhà trường chuyển qua địa chỉ email thay vì sử dụng các văn bản giấy như trước đây… Hiện nay, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc dạy và học, song cũng là thời cơ để nhà trường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số vì các ưu điểm vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhanh, gọn mà lại lưu giữ, bảo mật thông tin cao, thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các thông tin. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, học hỏi thêm để ngày càng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, quyết tâm để thực hiện chuyển đổi số. Mặt khác, bản thân mỗi giáo viên cũng xác định khi thực hiện chuyển đổi số càng nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy; đồng thời sử dụng thành thạo văn bản điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhà trường thời gian tới.
Không thể phủ nhận những tiện ích, ưu điểm do chuyển đổi số mang lại nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, kỹ thuật còn hạn chế và chưa đồng bộ, hay nhiều cơ sở còn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để phục vụ cho chuyển đổi số. Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo trực tiếp từ Sở về chuyển đổi số, đơn vị đã nhận thức sâu sắc lợi ích của việc chuyển đổi số. Vì vậy, chúng tôi đã kết hợp với các công ty công nghệ có uy tín, nhờ họ tư vấn, cung cấp giải pháp và tập huấn cho cán bộ, công nhân viên trong ngành Giáo dục. Nhưng thực tế, nhiều người vẫn ngại thay đổi nên đã đưa ra những ý kiến tiêu cực, cản trở quá trình chuyển đổi số. Vì lẽ đó, trước tiên chúng tôi phải làm thay đổi nhận thức của đội ngũ quản lý và giáo viên về chuyển đổi số. Trước hết, người đứng đầu phải có tầm nhìn tốt, yêu thích công nghệ, yêu thích cái mới; nếu tầm nhìn mơ hồ, không rõ ràng, không được xác định hoặc không được hiểu một cách rõ ràng, sẽ không đủ quyết tâm để thực hiện.
Trong mấy năm học vừa qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta đã áp dụng linh hoạt các giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Sở đã quan tâm, tổ chức hơn 400 lớp tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề kỹ năng khai thác, sử dụng internet, thư điện tử, kỹ năng thiết kế trình chiếu, bài giảng điện tử, kĩ năng sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, hỗ trợ dạy học trực tuyến, kỹ năng xử lý sự cố máy tính, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cho gần 14.000 lượt giáo viên tham gia. Các nhà trường, cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác để đảm bảo tiến độ, chất lượng giáo dục; lên phương án dạy bổ sung kiến thức khi học sinh, học viên, sinh viên trở lại trường. Các nhà trường có thể triển khai dạy học qua các phần mềm miễn phí: Google Meet, Google Classroom, Msteam… hoặc sử dụng các phần mềm dạy học trực truyến hiện được tài trợ miễn phí bởi VNPT (VNPT E-learning), MobiFone (mSchool)… Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò tại các nhà trường. Qua đó có thể thấy, dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Và chính sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình học trong mấy năm học vừa qua theo đúng phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”… Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, thời gian tới, Sở sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền trong toàn ngành để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tập trung vào các nội dung chuyển đổi số. Khuyến khích cán bộ, giáo viên chủ động nghiên cứu, tiếp cận làm quen với công nghệ mới hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến để tổ chức, quản lý, dạy và học, đáp ứng các tiêu chí của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Chuyển đổi số trong giáo dục là một bước tiến mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài mà không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, đội ngũ giáo viên cần phải trang bị cho mình kỹ năng sử dụng công nghệ. Mặt khác, lãnh đạo quản lý cũng cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ; từng bước thực hiện các nội dung trong chuyển đổi số, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt nhất trong thời gian tới.
Tác giả: Bài, ảnh: Phạm Quang
Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn