Chữ ký số: Nhanh hơn, tiện lợi và tiết kiệm hơn
Bài: Hải Linh
2021-11-24T20:26:40-05:00
2021-11-24T20:26:40-05:00
http://dic.gov.vn/vi/news/chuyen-doi-so/chu-ky-so-nhanh-hon-tien-loi-va-tiet-kiem-hon-5057.html
http://dic.gov.vn/uploads/news/2021_11/7.jpg
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 24/11/2021 20:26
DIC - Sự ra đời của văn bản điện tử và giao dịch điện tử đã phát sinh nhu cầu ký trên văn bản điện tử để thực hiện được các giao dịch, từ đó chữ ký số được hình thành và đưa vào sử dụng. Không chỉ giúp thực hiện ký trên các tài liệu điện tử, chữ ký số còn có giá trị sử dụng vô cùng lớn bởi những lợi ích hữu dụng và thiết thực mà nó mang lại.
Sở TT&TT tổ chức hội nghị trao đổi giải pháp đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử ký số các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Điện Biên. Ảnh: Anh Tuấn
Việc ứng dụng chứng thực điện tử, chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước là nhu cầu cần thiết trong các giao dịch trên môi trường mạng, nhằm phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền số. Một vấn đề đặt ra là cần có giải pháp vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa đảm bảo tính chính xác nội dung thông tin được gửi nhận qua mạng. Với công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề này được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó chữ ký số là một trong những giải pháp hiện đại, an toàn, hiệu quả nhất.
Bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về gửi, nhận văn bản điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn triển khai và ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử. Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT đã tổ chức gần 50 lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng chữ ký số cho trên 2.100 lượt CBCC, VC các sở, ban, ngành tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện được cấp chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức, cá nhân với tổng số 2.865 thiết bị; 100% các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử ký số toàn tỉnh trung bình hằng tháng đạt trên 97.
Theo khảo sát, thời gian qua triển khai ứng dụng văn bản điện tử có ký số tại các cơ quan, đơn vị không sử dụng văn bản giấy cho thấy hiệu quả vô cùng lớn, giúp đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch điện tử, ngăn chặn khả năng giả mạo, xác định được nguồn gốc của văn bản, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí hành chính. Nếu trước đây thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị được tính theo ngày thì giờ đây với việc sử dụng chữ ký số, thời gian gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị được tính bằng giây. Hiện nay, toàn tỉnh trung bình hằng tháng có khoảng 100 ngàn văn bản điện tử có ký số được gửi, ước tính tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng/tháng; bình quân tiết kiệm được chi phí hành chính khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Bích, Văn thư Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Từ khi sử dụng chữ ký số, ngoài việc tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính chung, thì giờ đây công việc văn thư đã nhàn và đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, đối với phát hành văn bản đi mà gửi nhiều đơn vị, văn thư phải phô tô rất nhiều và đóng phong bì gửi đi, giờ chỉ cần vài phút thực hiện thao tác tích chuột vào hệ thống là xong, kể cả văn bản gửi cho các tỉnh, bộ, ngành cũng chỉ cần thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản có ký số.
Cũng có nhiều ý kiến lo ngại về an toàn thông tin của chữ ký số, có bị giả mạo không, tính pháp lý của chữ ký số... Vấn đề này người sử dụng hoàn toàn yên tâm vì chứng thư số do Ban cơ yếu Chính phủ cấp đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Cùng tìm hiểu sâu về vấn đề này ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Đào tạo - Trung tâm CNTT&TT (Sở TT&TT Điện Biên) - đơn vị chuyên môn trực tiếp triển khai chữ ký số chuyên dùng cho biết, Chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đảm bảo về tính bảo mật và nguồn gốc văn bản thể hiện ở 4 nội dung cụ thể:
Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin: Vì quá trình ký số được thực hiện dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Công nghệ này tạo ra sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã bất đối xứng gồm khóa công khai và khóa bí mật của người dùng. Chữ ký số còn sử dụng hàm băm đặc biệt, đảm bảo chỉ có người nhận văn bản đã ký mới có thể mở văn bản chữ ký số, khi khóa có độ dài lớn việc giải mã trở lên vô cùng phức tạp. Do đó, đảm bảo văn bản đã ký số không bị tác động bởi bên thứ 3.
Đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch điện tử: Do sử dụng hệ thống mật mã bất đối xứng, nên chữ ký số đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định tính pháp lý của tài liệu điện tử, có khả năng đảm bảo tính toàn vẹn của tài liệu điện tử cũng như xác định danh tính của người ký. Vì thế, chữ ký số được đánh giá là phương thức duy nhất để xác định tính pháp lý của văn bản điện tử hiện nay.
Ngăn chặn khả năng giả mạo: Việc tạo ra một chữ ký số khác giống hoàn toàn với chữ ký số đang sử dụng và có khả năng kiểm tra bằng mã hóa công khai gần như là bất khả thi. Do đó, muốn giả mạo mà không có mật khẩu của thiết bị ký số thì cũng không thể ký được, trong khi khả năng giả mạo chữ ký tay có thể lên đến 55-70%. Tài liệu khi đã ký số sẽ không có cơ hội thay đổi cho dù là một phần hay toàn bộ nội dung.
Xác định được nguồn gốc của văn bản: Cũng chính tính bảo mật cao nên mọi nội dung đều không thể thay đổi, văn bản điện tử được ký bởi chữ ký số sẽ được xem là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tham gia giao dịch điện tử trong thời đại số hiện nay./.