Nhân viên BĐVHX Thanh An tư vấn dịch vụ bưu chính công ích cho khách hàng.
Diện mạo mới
Năm 1998, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay tách là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) đã đề xuất phương án xây dựng BĐVHX nhằm tạo điều kiện cho người dân ở nông thôn được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản và dịch vụ internet, giảm khoảng cách tiếp cận thông tin giữa thành thị và nông thôn. Góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ bưu chính viễn thông mà sự nghiệp đổi mới của Đảng mang lại. Trải qua hơn 20 năm hoạt động thăng trầm đều có cả, thậm chí có thời gian khó khăn, BĐVHX tưởng chừng như phải ngừng hoạt động... Phải mất một thời gian dài do chưa nhận được quan tâm đúng mức nên nhiều điểm BĐVHX cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị thiếu thốn, các chế độ đãi ngộ không thỏa đáng dẫn đến việc nhân viên các điểm BĐVHX chỉ xem công việc tại đó là phụ nên nhiều điểm rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Thế rồi xu thế tất yếu của thời cuộc buộc BĐVHX phải chuyển mình, mang một diện mạo mới theo hướng hiện đại và đa dụng hơn…
Về xã Thanh An, huyện Điện Biên, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Ngọc La, nhân viên BĐVHX. Gắn bó với nghề này từ những năm 2000, ông La trải qua đủ những thăng trầm của thời cuộc, từ những lúc huy hoàng nhất cho đến những thời kỳ khó khăn nhất. Khi BĐVHX “thức dậy sau một giấc ngủ dài” ông vẫn là người đồng hành tận tụy với màu áo vàng trên khắp mọi nẻo đường nơi mình sinh sống. Ông La chia sẻ: “Ngày mới vào, tôi ngồi trực điểm, trực điện thoại bàn, phục vụ đọc sách, báo... với mức thu nhập khoảng 190 nghìn đồng/tháng. Giai đoạn “khủng hoảng” nhất là từ năm 2005 - 2010, lúc đó các dịch vụ chưa phát triển, thu nhập chỉ có mỗi tiền phụ cấp, khó khăn đủ bề... Nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề này bởi xác định rằng đây là khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì ngành Bưu điện. Đến năm 2015, các dịch vụ mới được triển khai rộng khắp, rồi năm 2017 triển khai BĐVHX đa dịch vụ thì công việc mới khởi sắc trở lại. Nhờ thay đổi cung cách phục vụ, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trung bình mỗi ngày điểm BĐVHX Thanh An đón hàng chục lượt người dân đến giao dịch. Không còn cảnh chỉ mở cửa cho đúng giờ như trước nữa, thu nhập cũng được tăng lên đáng kể 7 - 8 triệu đồng/tháng, giúp tôi yên tâm gắn bó với nghề”.
Bà Cà Thị Xương, bản Chiềng An là khách hàng thân thuộc của điểm BĐVHX Thanh An. Theo như bà chia sẻ, đồ dùng thiết yếu trong gia đình hiện nay, từ nước rửa bát, bột giặt, dầu ăn... cho đến các loại bảo hiểm cũng đều được BĐVHX cung cấp. Bà Xương chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, chất lượng của BĐVHX được nâng lên đáng kể, nhất là điểm đa dịch vụ này. Không chỉ các dịch vụ bưu chính, các dịch vụ hành chính công, các mặt hàng ở đây cũng hết sức đa dạng, đảm bảo chất lượng nên được người dân tin dùng. Có thể thấy đây là các điểm gần dân nhất, sát với thực tế, tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân. Nếu như trước đây, phải lên tận trên khu vực phố cũ (Phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) mới tiếp cận được các dịch vụ của Bưu điện huyện Điện Biên. Bây giờ, Bưu điện huyện chuyển xuống xã Noong Hẹt đã gần hơn nhưng vẫn không thể “sát sườn” bằng BĐVHX ngay gần trung tâm xã như thế này được...”.
Định hướng cho tương lai
Đến nay, toàn tỉnh có 114 điểm BĐVHX; trong đó, 99/114 điểm có kết nối internet, 83/114 điểm triển khai dự án viễn thông công ích. Không chỉ vậy, 74 điểm được chuyển đổi lên mô hình BĐVHX đa dịch vụ, được đầu tư trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn của Tổng Công ty: Bảng hiệu nhận diện, bàn quầy, máy tính, máy in, máy scan, kệ bán hàng... Không chỉ dừng lại với các dịch vụ bưu chính truyền thống, hầu hết các điểm BĐVHX còn là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, người có công, thu tiền điện. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, như chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện; phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch...
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Phó phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: Việc chuyển đổi điểm BĐVHX thành các điểm BĐVHX đa dịch vụ đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của ngành Bưu điện tại các địa bàn xã; nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của chính quyền các cấp. Cùng với đó, việc đưa các dịch vụ hành chính công về phục vụ tại các điểm BĐVHX xã đã tạo uy tín lớn đối với nhân dân tại địa bàn. Bưu điện tỉnh cũng đang tập trung triển khai việc chuyển đổi BĐVHX lên mô hình quản lý cấp thứ tư của Bưu điện Việt Nam với 27/114 điểm đã được chuyển đổi. Trong quá trình chuyển đổi mô hình đó, các cơ chế đãi ngộ cho nhân viên điểm BĐVHX cũng được nâng cao dần lên: Hoa hồng các dịch vụ nâng cao như đóng BHXH, BHYT, khám sức khỏe... đã góp phần nâng cao thu nhập cũng như ổn định về mặt tư tưởng cho nhân viên điểm BĐVHX yên tâm thực hiện các công việc được giao. Đến nay, thu nhập bình quân của nhân viên BĐVHX hằng năm đạt 5,5 triệu/điểm/tháng. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn phát triển các chương trình thi đua cho các điểm BĐVHX với phần thưởng là các chuyến tham quan du lịch trong và ngoài nước...
“Tuy vậy, các điểm BĐVHX cũng còn không ít các khó khăn, nhất là các điểm BĐVHX vùng sâu, vùng xa. Giao thông đi lại cách trở, việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn... Trong khi cơ sở hạ tầng nhiều điểm còn đang xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời...” - ông Trịnh Ngọc Dũng chia sẻ.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Trịnh Ngọc Dũng cho biết thêm: BĐVHX sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác, tận dụng và phát huy nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện có để phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân. BĐVHX với tư cách là cơ quan bưu điện tại xã, cùng với mạng Bưu chính công ích trở thành hệ thống điểm cung cấp dịch vụ hành chính công. BĐVHX sẽ thực sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân, là điểm đến thân thiện, thường xuyên để người dân tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng nhất với các dịch vụ công của Chính phủ; là nơi đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống người dân nông thôn. BĐVHX góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...), kết nối mạng lưới toàn quốc qua hệ thống CNTT hiện đại, đồng bộ, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Không chỉ vậy, mạng lưới BĐVHX còn tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động tại khu vực nông thôn ngay trên chính quê hương mình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh.../.