Công tác thông tin đối ngoại: Từ tư duy ‘mới’ đến cách làm ‘mới’

Chủ nhật - 26/05/2024 21:56
“Với Kết luận 57-KL/TW và Nghị quyết 47/NQ-CP, công tác thông tin đối ngoại của chúng ta trong thời gian tới sẽ có những đột phá quan trọng”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại khẳng định.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027, tháng 2/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027, tháng 2/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng Nghị quyết 47/NQ-CP tập trung vào nhiều điểm “mới” trong cách thức triển khai công tác thông tin đối ngoại, trong đó có cách thức huy động nguồn lực, một trăn trở của Thứ trưởng lâu nay.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những mục tiêu chính của việc Chính phủ thông qua Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới?

Kết luận số 57-KL/TW là kế thừa và bổ sung cho Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại. Trong tình hình mới, Kết luận có thể coi là “kim chỉ nam”, là văn bản chỉ đạo quan trọng nhất của Đảng, mang tính định hướng chiến lược, tạo cơ sở để cả hệ thống chính trị triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.

Với việc ban hành Nghị quyết 47/NQ-CP, Chính phủ mong muốn quán triệt nội dung Kết luận 57-KL/TW tới 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo sự thống nhất trong tư duy, sự chặt chẽ trong phối hợp, sự đột phá trong phương thức, sự đổi mới trong nội dung và sự ưu tiên trong nguồn lực, để công tác thông tin đối ngoại có thể được triển khai ngày càng đồng bộ và hiệu quả.

Đây cũng là căn cứ cho các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy cho công tác thông tin đối ngoại, phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao, tạo sự gắn bó mật thiết giữa công tác thông tin đối ngoại với công tác chính trị, tư tưởng và đối ngoại của Đảng và Nhà nước nói riêng và các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nói chung.

Không dừng lại ở định hướng, Nghị quyết nêu ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có những giải pháp rất chi tiết, rất “mới” trên tất cả các lĩnh vực như chỉ đạo – điều hành, nội dung, phương thức và nguồn lực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho việc triển khai công tác thông tin đối ngoại ở tất cả các cấp. Nghị quyết cũng chỉ rõ, công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, phân công công việc cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, qua đó, thúc giục các cơ quan, đơn vị phải làm việc quyết liệt, tích cực, chủ động, đổi mới hơn nữa trong công tác thông tin đối ngoại.

Tôi tin rằng, với Kết luận 57-KL/TW và Nghị quyết 47/NQ-CP, công tác thông tin đối ngoại của chúng ta trong thời gian tới sẽ có những đột phá quan trọng, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; duy trì và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới rõ ràng cần hướng tới cách làm mới. Tính “mới” đó thể hiện qua Chương trình hành động lần này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của môi trường truyền thông trong và ngoài nước. Sự phát triển mạnh mẽ, thay đổi hàng ngày của các phương tiện truyền thông mới, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… khiến cách thức tiếp nhận, truyền tải và thụ hưởng thông tin của tất cả mọi người thay đổi. Bên cạnh đó, những diễn biến khó lường, ngoài dự báo của tình hình khu vực và thế giới cũng góp phần khiến môi trường truyền thông biến chuyển sâu sắc hơn nữa.

Tất cả những yếu tố này khiến công tác thông tin, tuyên truyền nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng cần phải có cách làm “mới”, vừa bảo đảm thông tin đầy đủ những nội dung tuyên truyền, vừa phải bảo đảm thông tin đáp ứng tốt thị hiếu, được người dân trong nước và cộng đồng quốc tế đón nhận và duy trì tính chiến đấu đối với thông tin xấu độc.

Với tinh thần ấy, Chương trình hành động của Chính phủ tập trung vào nhiều điểm “mới” trong cách thức triển khai công tác thông tin đối ngoại.

Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là việc Chương trình hành động nhấn mạnh “ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá”. Đây là chỉ đạo đặc biệt quan trọng, cụ thể hóa những nội dung đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Kết luận 57-KL/TW, định hướng, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, giúp cho công tác thông tin đối ngoại, không chỉ tại Trung ương, các thành phố lớn, mà ngay cả tại các vùng sâu, vùng xa, ứng dụng mạnh mẽ những công nghệ hiện đại, chuyển biến mạnh mẽ, bắt kịp với xu thế, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thụ hưởng thông tin của tất cả người dân, tạo sức lan tỏa nhanh, mạnh hơn.

Một điểm “mới” nữa là việc “Nhà nước bảo đảm nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ/lực lượng chuyên trách, chủ lực thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại”.

So với nội dung được nêu trong các văn bản trước đây của Chính phủ về thông tin đối ngoại, Chương trình hành động lần này nhấn mạnh hơn rất nhiều tầm quan trọng và cách thức huy động nguồn lực trong triển khai công tác thông tin đối ngoại. Nếu như trước đây, công tác thông tin đối ngoại thường gặp khó khăn trong huy động nguồn lực, đặc biệt khi tiến hành các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở nước ngoài, thì nay, với việc được đảm bảo nguồn lực, đầu tư, công tác thông tin đối ngoại được kỳ vọng có thể tiến hành những chiến dịch truyền thông dài hạn, quy mô lớn, hướng tới nhiều đối tượng truyền thông khác nhau, tại nhiều địa bàn khác nhau trên phạm vi toàn cầu.

Đầu tư nguồn lực con người là việc tôi trăn trở lâu nay. Với điểm mới này trong chương trình hành động của Chính phủ, tôi hy vọng đội ngũ chuyên trách, chủ lực thông tin đối ngoại sẽ được kiện toàn và tránh bị “chảy máu chất xám”.

Trên đây, tôi chỉ nêu một số điểm lớn, còn nhiều điểm mới nữa trong Chương trình hành động thể hiện sự đổi mới toàn diện trong cách thức tiếp cận của Đảng và Nhà nước đối với việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Công tác thông tin đối ngoại: Từ tư duy ‘mới’ đến cách làm ‘mới’
Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Đắk Lắk. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 có đề cập rằng, để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại cần tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới. Theo Thứ trưởng, “sự chuyển biến căn bản trong tư duy” này cần được định hướng ra sao?

Để có nguồn lực, để có cách làm “mới” thì cần có tư duy “mới”. Đây cũng là điều được Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ và coi là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Chuyển biến về tư duy trong công tác thông tin đối ngoại không có nghĩa là chúng ta từ bỏ hoàn toàn những tư duy cũ, những chiến lược, chính sách, suy nghĩ đã giúp công tác thông tin đối ngoại đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, mà là chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập còn tồn tại, trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc những diễn biến trong nước và quốc tế, những tiến bộ của khoa học công nghệ, vừa kế thừa những kết quả đã đạt được, vừa triển khai những hướng đi mới với tinh thần mới và cách thức mới để mang lại hiệu quả hơn nữa cho công tác thông tin đối ngoại.

Trước đây, công tác thông tin đối ngoại thường ghép chung với ngoại giao văn hóa. Điều này khiến cho công tác thông tin đối ngoại tại một số địa bàn, một số thời điểm, chưa được quan tâm đúng mức, triển khai “cho có”, ngắn hạn, thiếu trọng tâm, trọng điểm; nguồn lực phân bổ cho thông tin đối ngoại luôn bị hạn chế so với các trụ cột đối ngoại khác. Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại từng bị tách biệt với thông tin đối nội, thông điệp không đồng nhất hoặc thông tin đối ngoại chỉ là bản dịch tiếng Anh của thông tin đối nội. Những hạn chế này, khiến công tác thông tin đối ngoại có nơi, có lúc chưa thật hiệu quả.

Với tinh thần nêu trên, Chương trình hành động của Chính phủ nêu rất cụ thể những điểm đột phá trong tư duy, bao gồm:

Trước hết là xác định thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai thông tin đối ngoại với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước. Thông tin đối ngoại cần phải được “sánh vai” các trụ cột đối ngoại khác.

Ngoài ra, nhận thức sâu sắc mối quan hệ chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội. Thông tin đối ngoại không chỉ hướng tới cộng đồng quốc tế, mà còn hướng tới củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bên cạnh đó, coi không gian mạng như một trong những không gian chủ đạo để triển khai thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại không chỉ được triển khai trên báo chí truyền thống hay số hóa nội dung, qua ngoại giao kênh 1, kênh 2… dưới hình thức tờ rơi, pano, áp phích… mà còn phải tiến tới triển khai trên môi trường mạng, thông qua các công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm thực sự phù hợp với không gian mạng, lan tỏa tới tất cả người sử dụng Internet trên toàn cầu. Ta không sợ bị AI, ChatGPT “lấn sân”, mà phải triệt để khai thác, sử dụng để cùng cộng hưởng sức mạnh của thông tin đối ngoại.

Nguồn tin: baoquocte.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây