DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 04/12/2014 18:16
Chị Hờ Thị Váng, bản Nậm Tin 3 (xã Nậm Tin) kể với phóng viên về khoảng thời gian lưu lạc bên Trung Quốc.
DIC- Trong 2 năm (2013 – 2014), có 130 người trên địa bàn xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) đã xuất khẩu lao động “chui” sang Trung Quốc. Con số “đủ lớn” để phản ánh độ “nóng” tình trạng vượt biên trái phép, khó kiểm soát đang diễn ra nơi đây. Chỉ vì nguồn lợi trước mắt, không ít người sẵn sàng rời bỏ quê hương, xa lìa người thân tìm mọi cách vượt biên mà họ đâu biết rằng, phía bên kia biên giới vô vàn khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm đang chờ đợi.
“Nóng” tình trạng vượt biên trái phép Nậm Tin là xã mới được chia tách từ xã Chà Cang theo Nghị quyết 45 của Chính phủ với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Chính vì vậy, khi nhận được lời đề nghị: “Sang Trung Quốc có nhiều việc làm, được thoải mái lựa chọn, không thích làm việc này thì đổi sang việc khác với mức thù lao từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày, có việc được trả tới 500.000 đồng/ngày công”. Không cần biết lời đề nghị đó từ ai, có đáng tin cậy hay không và cũng không chút mảy may suy nghĩ, họ đã “chậc lưỡi” đồng ý. Nhưng sang bên kia biên giới, công việc của họ chủ yếu là trồng cây, bốc vác, cõng gạch, chặt chuối, chặt mía... Cuộc sống bên xứ người tạm bợ, nay đây mai đó. Nếu may mắn gặp được chủ tốt thì có chút thu nhập, nếu không sẽ bị bóc lột sức lao động, đánh đập, thậm chí còn bị đe dọa tới tính mạng. Anh Hờ A Vảng, Trưởng Công an xã Nậm Tin cho biết: Tình trạng xuất khẩu lao động “chui” bắt đầu xuất hiện từ năm 2012 khi vài người dân “biệt tăm” cả năm rồi về bản kèm theo khoản tiền giúp gia đình dựng nhà mới, lo cho con cái học hành, chiêu đãi bà con trong bản. Một thời gian sau, nhiều người dân trong xã đột nhiên “mất tích”. Người nhà cũng không biết cụ thể họ đi đâu, chỉ biết là đi tìm việc làm ở rất xa. Đến năm 2013, toàn xã có 96 người đi làm ăn xa theo kiểu như vậy. Sang năm 2014, con số đó đã tăng lên 130 người. Dù chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân nhằm ngăn chặn người dân xuất khẩu lao động trái phép nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn phức tạp và khó kiểm soát. Huổi Đắp là bản có số người xuất khẩu lao động “chui” đông nhất xã. Cả bản có 18 hộ dân (khoảng 50 người) vượt biên đi làm ăn. Nhiều cặp vợ chồng đã gửi con cho người thân để dắt nhau sang bên kia biên giới làm ăn, thỉnh thoảng gửi tiền về cho con cái học hành, đảm bảo cuộc sống. Anh Giàng A Chơ, Trưởng bản Huổi Đắp cho biết: Bản thường xuyên tổ chức họp bản, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền, vận động bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương nhưng người dân trong bản có một bộ phận trước đây di cư từ Lào Cai sang. Khi họ có ý định đi thường lấy lý do về thăm thân, thăm quê hương để vượt biên đi làm thuê. Do đó, công tác ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Thức tỉnh những u mê Đến giờ, sau khi đã về nước một thời gian nhưng chị Hờ Thị Váng, bản Nậm Tin 3 (xã Nậm Tin) vẫn chưa hết bàng hoàng và ân hận khi đã trót nghe lời rủ rê của người quen vượt biên sang Trung Quốc. Những ngày tháng lưu lạc nơi xứ người là quãng thời gian tối tăm, tủi nhục nhất trong cuộc đời chị. Tháng 11/2012, chị Váng được người quen đưa đến gặp một ông chủ người Trung Quốc. Sau vài buổi làm, giấc mơ về một tương lai “màu hồng” của chị đã hoàn toàn tan biến thay vào đó là những ngày lao động vất vả, làm quần quật từ sáng tinh mơ tới tối mịt mới được nghỉ ngơi. Được một thời gian, chị bị ép lấy chồng. Không đồng ý, chị bị đánh đập và khối lượng công việc trong ngày lại tăng lên. Bước đường cùng, chị Váng đành chấp nhận lấy chồng. Những tưởng cam chịu như vậy, chị sẽ thoát khỏi cảnh bị đánh đập, chửi bới nhưng khi về nhà chồng, ngày ngày chị vẫn bị bạo hành, bắt làm việc không ngừng nghỉ. Quá tủi khổ, chị tìm cách chạy trốn. Sắc mặt tái nhợt, đôi mắt tỏ vẻ sợ hãi khi nhớ về quá khứ đau khổ đó, giọng nói yếu ớt, đứt quãng, chị Váng kể lại: Từ lúc quyết định bỏ trốn, tôi luôn tìm mọi cách dò hỏi đường về Việt Nam. Sau nhiều cố gắng, tôi đã xác định được đường về quê hương. Và trong một lần đi chợ, thấy một chiếc xe ôtô chạy về hướng đó, tôi đánh liều mình xin đi nhờ. May mắn, khi đến Cửa khẩu Trung Quốc và được lực lượng biên phòng Trung Quốc trả về nước, tôi tìm được đường về nhà. May mắn hơn chị Hờ Thị Váng, đó là trường hợp của anh Thào A Sênh, bản Vàng Lếch (xã Nậm Tin). Sau khi lập gia đình và tách hộ, cuộc sống gia đình anh rơi vào tình cảnh rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Anh Sênh cố gắng bươn chải, làm thuê quanh năm nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Một lần tình cờ nói chuyện điện thoại với người quen ở huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) và được người này giới thiệu sang Trung Quốc làm việc, anh đã bỏ quê, chia tay vợ con lên đường đi làm ăn. Bên kia biên giới, anh Sênh vừa phải lao động vất vả và luôn phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ lực lượng an ninh Trung Quốc phát hiện và bắt giữ vì hành vi xuất khẩu lao động trái phép của mình. Trong một đợt truy quét trên diện rộng của lực lượng an ninh Trung Quốc, anh Sênh may mắn chạy thoát. Từ bỏ giấc mơ làm giàu nơi xứ người, anh Sênh tìm đường về nhà. Với số tiền ít ỏi mang về cũng không giúp cuộc sống gia đình anh khá lên nhưng điều quan trọng là qua lần thoát nạn định mệnh đó, anh đã nhận ra được rằng: Không ở đâu tốt bằng ở nhà mình, quê hương mình. Có thể nói, xuất khẩu lao động trái phép sang Trung Quốc đã trở thành “phong trào” của người dân xã Nậm Tin. Nguyên nhân khiến tình trạng này diễn ra phức tạp, khó kiểm soát là do cuộc sống quá khó khăn, người dân không có việc làm, thiếu đất sản xuất. Việc xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch vượt quá khả năng của người dân nơi đây, bởi phải đóng mức phí cao, đòi hỏi trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ... Để từng bước giải quyết tình trạng này, ông Hờ A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu được việc xuất khẩu lao động trái phép để lại những hệ lụy, rủi ro rất lớn đối với bản thân, gia đình và vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc, chính quyền xã đã kiến nghị huyện Nậm Pồ hỗ trợ người dân các loại giống cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật, cầm tay chỉ việc giúp người dân phát triển kinh tế. Tháng 9 vừa qua, xã được mở một lớp đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng tại bản Huổi Đắp thu hút hơn 30 lao động nông thôn tham gia. Trong thời gian tới, xã sẽ xin mở thêm các lớp về chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với thực tế của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hy vọng, tình trạng xuất khẩu trái phép sẽ không còn tiếp diễn.