DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 19/12/2014 09:36
Những bó sậy, những búi giẻ do anh em trong dòng họ mang đến và do nhà chủ lễ chuẩn bị được gom lại và đem đốt như một cách để xua đi những điều đen đủi
DIC - Nằm trên cao nguyên đá có độ cao khoảng 1.500m so với mặt nước biển, những cái tên: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Lao Xả Phình… không chỉ hấp dẫn những du khách phương xa bằng khung cảnh đẹp, hùng vĩ nơi non cao Tủa Chùa; mà cuốn hút hơn cả, chính là những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc cư trú trên miền đất này. Một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo đó chính là: Lễ Tù Su của các dòng họ dân tôc Mông.
Tủa Chùa là vùng đất có nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, cũng là nơi đồng bào Mông định cư và khẳng định sự tồn tại mạnh mẽ của họ trên vùng đất này từ ngàn đời nay. Trước đây, đồng bào Mông thường sống tập trung thành từng bản nhỏ theo dòng tộc, sinh sống trên các sườn núi cao, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và chăn nuôi, tự cung, tự cấp. Chính điều kiện sống này, nên họ đã gìn giữ được gần như nguyên vẹn những phong tục, tập quán mang bản sắc riêng trong đó có Lễ Tù Su. Lễ Tù Su là nghi lễ được các dòng họ người Mông lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghi lễ này được biết đến như hình thức là lễ cầu may, giải hạn, mong cho con người được khỏe mạnh, thời tiết được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để anh em trong dòng họ cùng tập hợp, ôn lại truyền thống gia đình, dòng họ, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong dòng tộc, cộng đồng. Vì vậy Tù Su còn được người Mông coi là lễ dòng họ - một nghi lễ trọng đại trong năm. Lễ này, thường được tổ chức vào các ngày mùng 7, 17, 27 tháng 7, hoặc các ngày mùng 9, 19, 29 tháng 9 âm lịch hàng năm Cũng như các dòng họ khác, dòng họ Chang thường dành một ngày nhất định trong năm họp bàn, lựa chọn hộ gia đình trong họ để tổ chức Lễ Tù Su. Lễ Tù Su không chỉ là ngày lễ quan trọng của dòng họ, mà còn là dịp để anh em trong họ trở về đoàn tụ, gặp gỡ, chia sẻ với nhau về những vui buồn cuộc sống trong năm vừa qua. Dù sinh sống ở xa đến mấy, trong ngày lễ, cả họ vẫn tập trung, tề tựu đông đủ. Năm nay, gia đình anh Chang A Di ở thôn Nà Xa được các hộ trong họ lựa chọn là địa điểm thực hiện các nghi lễ. Ngay từ buổi chiều ngày hôm trước, căn nhà nhỏ của gia đình anh Di đã đông vui, tấp nập người ra người vào, tiếng cười nói xen lẫn những tiếng băm, tiếng chặt vang lên rộn rã. Thực phẩm chín sử dụng trong buổi lễ Tù Su ngày hôm sau, được họ Chang chuẩn bị đầy đủ từ hôm trước, bởi họ kiêng kỵ giết mổ gia súc, gia cầm trong ngày diễn ra lễ Tù Su. Sau công tác chuẩn bị, bên chén rượu còn đượm mùi ngô mới, những người trong dòng họ có dịp chúc tụng nhau những mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, gia đình thuận hòa và mua được nhiều của cải hơn. Bình minh là thời điểm khởi đầu một ngày mới, cũng là thời điểm những nghi lễ chính thức trong lễ Tù Su bắt đầu. Ngay khi mặt trời còn chưa ló rạng, gia đình họ Chang đã nhanh chóng sắp xếp đồ lễ đã được chuẩn bị để bước vào lễ chính. Lễ vật cho lễ cúng tương đối đơn giản, gồm một con gà, hai cở ngô, hai bát gạo và hai quả trứng. Thường thì lễ cúng diễn ra rất chóng vánh, trước khi mặt trời nhô lên trên ngọn núi trước nhà. Cúng tổ tiên, giải trừ những điều không may, sau đó đồ lễ sẽ được mang ra bãi rộng phía sau nhà để cúng trời đất. Trong lễ Tù Su, nghi lễ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ có thể khác nhau, nhưng lễ cúng ngoài trời thì đều có trình tự giống nhau. Những bó sậy nhỏ các gia đình mang đến, là biểu tượng cho những điều không may mắn, được bó thành một bó. Búi giẻ được vấn vào nhau và đốt cháy. Ông mo dẫn đầu đoàn người cùng chung dòng máu, đưa những gì không tốt đẹp ra khỏi nhà. Họ đứng sát bên nhau, dùng những sợi chỉ màu nối với nhau và quấn quanh đoàn người 9 vòng, tượng trưng cho sợi tâm linh nối tình ruột thịt. Trước trời đất và các vị linh thần, thầy mo cất lên bài ca xua đuổi những điều xấu bay xa, để dòng họ đời đời sinh sôi, phát triển. Thường thì ông Mo của dòng họ Chang sẽ diễn xướng: “Ta sống trên đỉnh núi này/ Ngày ngày thấy mặt trời mọc trên đỉnh núi/ Mùa mùa trồng cây bí đắng trên nương/ Bí đắng ra quả, ta lấy làm bầu rượu/ Mượn chén rượu ta hát lời ca/ Đã chín năm dòng họ ta không làm cái lý/ Cây lau, cây sậy mọc kín nương đồi/ Anh em ta không có nơi trồng ngô/ Trên trời mọc chín mặt trời và chín mặt trăng/ Chín mảnh nương đều khô héo/ Anh em ta không có nơi trồng lúa/ … Này những vị thần trên trời/ Thần có búa, có rìu, hôm nay ta cũng có dao, có nỏ/ Ta hét một tiếng thần phải run rẩy/ Ta thét một tiếng thần phải bay xa…”. Sau đó, buổi liên hoan sẽ diễn ra linh đình. Cuộc vui giữa những người trong họ lại bắt đầu. Tiếp tục khởi nguồn cho những điều tốt đẹp sẽ diễn ra trong tương lai gần. Đã nhiều thế kỷ trôi qua, con người ngày càng khẳng định được sự tồn tại mạnh mẽ của mình. Lúc này nghi lễ đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người. Thông qua những nghi thức này, người ta có thể thấy được những thông điệp về khát vọng, về ước muốn vừa thiết tha, vừa mãnh liệt của một dân tộc có ý chí kiên cường chống chọi và thích nghi trước thiên nhiên khắc nghiệt. Lễ Tù Su thêm một lần nữa nhắc nhở tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc Mông, nơi non cao Tủa Chùa; khẳng định sức mạnh của cộng đồng trong quá trình tồn tại, phát triển./.