Đặc sắc Tết Hoa của người dân tộc Cống
Nguyễn Hiền
2014-12-10T12:39:29-05:00
2014-12-10T12:39:29-05:00
http://dic.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Dac-sac-Tet-Hoa-cua-nguoi-dan-toc-Cong-2283.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 10/12/2014 12:01
ĐBP - Khi lúa trên nương đã được gặt về nhà, thóc đã được đóng đầy bao, ai nấy đều nông nhàn là khi bà con dân tộc Cống rục rịch chuẩn bị tổ chức Tết Hoa – Tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm của người Cống.
Đến bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) – nơi có 100% đồng bào người Cống đúng vào dịp ấy, chúng tôi cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp tràn ngập mọi con đường, mọi ngôi nhà và thấy vẻ háo hức hiện lên trên từng khuôn mặt. Đặc biệt, năm nay Tết Hoa tại bản Púng Bon được Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, UBND huyện Điện Biên cùng UBND xã Pa Thơm hỗ trợ tổ chức nên không khí càng trở nên tưng bừng hơn. Tết Hoa (tiếng Cống là Mền loóng phạt ai) của người Cống thường được tổ chức khi vụ mùa đã xong và diễn ra vào tháng 10, 11 âm lịch. Đối với người Cống, đây là nghi lễ cổ truyền mừng thành quả một năm lao động sản xuất và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã phù hộ, đồng thời cầu mong năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm hơn. Vì vậy, các lễ vật người dân dâng lên cúng đều là các nông sản do gia đình làm ra hay đánh bắt được như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, cá suối, gà, rượu, sóc, chuột. Tất cả các đồ lễ này đều được sắp theo đôi. Ngoài ra, bên bàn cúng, người Cống còn để những dụng cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi liềm bởi họ quan niệm những vật dụng này đã cùng con người vất vả lao động cả năm nên cũng có công lao. Trong Tết Hoa không thể thiếu một loài hoa mà người Cống gọi là Xi li và Le le, người Kinh gọi là hoa Mào gà (loại nhỏ và dài, có 2 màu vàng và đỏ). Tất cả các gia đình dân tộc Cống đều trồng giống hoa này trên nương để hái vào dịp Tết bởi theo họ hoa Mào gà biểu trưng cho may mắn. Để chuẩn bị cho lễ cúng, từ sáng sớm, chủ mỗi gia đình đều lên nương hái hoa mang đến nhà thầy cúng, cùng nhau trang trí cổng và nơi thờ cúng – nơi sẽ diễn ra một số nghi lễ chung của cả bản. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ là người có uy tín trong bản, được cả bản đồng ý lựa chọn. Theo quan niệm của người Cống, nếu chưa tổ chức Tết Hoa, không gia đình nào được đi phát nương, đào củ sắn, củ mài trên nương và vui chơi, ca hát. Điều này đã trở thành tục lệ nhiều đời của bản Púng Bon. Khi đến giờ đẹp để bắt đầu nghi lễ như đã định, trưởng bản sẽ đánh những hồi chiêng rộn rã để báo hiệu. Lúc này, các gia đình đều đã chuẩn bị xong lễ vật, mọi người đều đã khoác lên mình bộ quần áo truyền thống mới nhất, đẹp nhất. Từ các nhánh đường, từng đại diện gia đình bưng trên tay đĩa đựng đồ lễ, chậm rãi đi theo hàng vào nhà thầy cúng, cung kính để lễ vật vào nơi thầy cúng chỉ định. Sau khi đã nhận lễ của tất cả các hộ trong bản, thầy cúng sắp xếp bàn cúng, rồi bắt đầu đọc lời khấn mời tổ tiên, những người quá cố của bản về ăn Tết với con cháu. Tiếp là mời các vị thần chấn giữ 3 hang, 3 núi ở 3 phía của bản về chứng kiến bởi người Cống có đời sống tâm linh rất thiêng liêng, họ luôn tin bên cạnh họ luôn có tổ tiên, thần linh giúp đỡ, che chở. Sau khi đã mời đủ các thế lực siêu nhiên, thầy cúng nghỉ khoảng 2 – 3 phút rồi báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm và cầu xin tổ tiên cùng các vị thần phù hộ cho cả bản sang năm mới được vụ mùa bội thu, cây cối tốt tươi, mọi người đều khỏe mạnh. Cuối cùng thầy cúng khấn mời các vị tổ tiên, thần linh nhận lễ vật của người dân và ăn Tết cùng bà con. Phần cúng chung cho bản chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau đó, thầy nâng chén rượu chúc mừng năm mới, mọi người quây quần bên chum rượu cần chúc nhau những điều tốt đẹp. Kết thúc phần lễ tại nhà thầy cúng là lúc tại các gia đình bắt đầu tổ chức lễ cúng riêng. Nghi lễ này chỉ diễn ra tại nhà con trai trưởng của gia đình (nếu bố mẹ đã mất) và tiếp nối cho con trai thứ hai nếu anh cả qua đời. Tại các gia đình, người dân cũng chuẩn bị mâm lễ bao gồm: rượu, gà, khoai sọ, xôi, bánh chưng… để người đàn ông lớn tuổi, có vị thế cao nhất trong gia đình khấn lạy tổ tiên. Sau đó các gia đình qua chúc Tết nhau, cụng nhau chén rượu, chung nhau mâm cơm, hát múa suốt 2 – 3 ngày mới hết Tết. Đấy là những hôm sau, còn hôm nay, cả bản Púng Bon quây quần tại khoảng sân rộng của 1 gia đình trong bản cùng nhau nâng ly rượu mừng rồi rộn ràng với đêm giao lưu văn nghệ, sớm hôm sau thì hò reo theo mỗi trò chơi truyền thống được tổ chức dưới sự tiếp sức của cán bộ lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh và chính quyền địa phương. Những bộ trang phục dân tộc mà đàn ông, phụ nữ người Cống xúng xính mặc đi chơi Tết cũng là được hỗ trợ theo đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên 2011 – 2020”. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc Cống ở Púng Bon đã có một ngày Tết, ngày hội thực sự tưng bừng và ý nghĩa. Họ cũng đã khôi phục được một số nghi lễ cùng trang phục, câu ca, điệu múa truyền thống đang dần mai một của dân tộc. Những hoạt động ấy đã góp phần tiếp thêm tình yêu và tinh thần bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho mỗi người dân Púng Bon.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: CDC Điện Biên