DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 08/12/2014 09:28
(Nhũ đá Hang động Na Côm)
DIC- Hang động Na Côm nằm ở lưng chừng núi có tên Chu Ta (theo tiếng địa phương Chu Ta có nghĩa ong khoái) thuộc bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km về phía Nam.
Với vẻ đẹp kỳ vĩ với bao điều bí ẩn, hang động Na Côm chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, nơi có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch. Hang dài hơn 500m, gồm 2 khoang uốn theo hình chữ S. Cửa hang nhỏ, để vào được bên trong du khách phải nằm nghiêng chui người qua. Khoang bên ngoài thoáng, rộng. Phía trên vòm gần cửa có một khoảng trống nhỏ tạo thành giếng trời, ánh sáng hắt vào làm cho không gian ở khoang ngoài thêm phần mờ ảo, lung linh. Trần và 2 bên vách động là các dải nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Nhiều khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh...nhưng đẹp nhất là hình tượng phật màu trắng ngà trên vách đá, xung quanh là bầy tiên nữ khoác trên mình gấm vóc, xiêm y lộng lẫy bay lượn. Dưới nền động là những viên cuội tròn màu trắng lấp lánh hay những cột nhũ đá, cối đá, măng đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ. Khoang thứ 2 cao hơn hoang thứ nhất. Trong hang nơi rộng nhất 25 - 30m, cao 18 - 20m, nhiều khoang rộng giống như một hội trường lớn có thể chứa trên 300 người. Nền động là hình ảnh những viên cuội tròn màu xám, đá tựa những mâm xôi, hoa quả đủ màu sắc, hình ảnh ruộng bậc thang uốn lượn như san hô nối tiếp nhau từ gần đến xa hay những chiếc giếng nước mát trong xanh. Vách động là các dải nhũ buông xuống tạo nhiều kiểu dáng, với hàng loạt các khối nhũ, rèm nhũ trông thật mỹ lệ. Đặc biệt vòm trần động nhũ đá kết lại như một bức tranh khổng lồ trên đó chạm khắc nhiều hình thù kỳ lạ.Vào sâu trong hang động là hình tượng sống động với dáng hình của các loài vật trên trời, rừng núi và biển khơi đều tụ hợp tại đây. Cuối hang là thác nước chảy xuống ruộng bậc thang được thiên nhiên đẽo gọt, chạm khắc giống như bức chạm nổi thiên nhiên sinh động…Cả 2 khoang động với vẻ quyến rũ luôn tạo ấn tượng và cảm xúc cho du khách thưởng ngoạn. Ðứng dưới động, du khách có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ, hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn, thơ mộng. Để có cơ sở pháp lý bảo vệ và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá, tham quan, góp phần vào việc phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL, UBND huyện Điện Biên thành lập tổ bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tới công chúng, đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Trên cơ sở đó tăng cường gắn kết việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương với di sản văn hóa vật thể, xây dựng; liên kết với các đơn vị kinh doanh xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn kết với các điểm di tích, danh thắng. Thiên nhiên đã ban tặng cho xã Na Côm vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng, núi non trùng điệp, xen kẽ những dãy ruộng bậc thang với con suối, thung lũng, bản làng thanh bình. Những nếp sinh hoạt truyền thống chứa đựng một nền văn hóa độc đáo như dệt thổ cẩm, uống rượu Mông pê…những tiếng khèn môi gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái như lay động cả núi rừng. Du khách được khám phá vẻ đẹp bí ẩn của “lâu đài” thạch nhũ, cảnh quan hùng vĩ làm say đắm lòng người của hang động Na Côm.