DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 06/12/2015 20:08
Từ lâu, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào đã trở nên trong sáng, hiếm có trên thế giới, đây được coi là tài sản vô giá của hai dân tộc, trong đó có Điện Biên. Điện Biên là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Phoong Sa Ly, Luông Phra Băng (nước CHDCND Lào) việc xây dựng tuyến biên giới ổn định, sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, với tinh thần Quốc tế trong sáng, thủy chung.
Điện Biên là tỉnh miền núi, có đường biên giới Quốc gia Việt - Lào dài 360km, tiếp giáp với các tỉnh: Phoong Sa Ly, Luông Phra Băng (nước CHDCND Lào). Khu vực biên giới nơi đây có địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều; kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông còn thấp kém. Do vậy, đã gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chuyên môn trong việc xây dựng tăng dày, tôn tạo mốc Quốc giới, các lực lượng tuần tra bảo vệ và ngăn chặn các hành vi vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới Quốc gia Việt Nam - Lào và các vi phạm pháp luật khác ở khu vực biên giới. Nhằm tăng cường hệ thống mốc Quốc giới giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý biên giới ổn định lâu dài, góp phần củng cố bền vững mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đồng thời để hoàn thiện chất lượng của đường biên giới và thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa hai nước. Từ năm 2008, thực hiện Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 30/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào, tỉnh Điện Biên được giao thực hiện tôn tạo, tăng dày với 156 cột mốc ở 144 vị trí, đảm bảo sự bền vững và 26 cọc dấu vững chắc trên tuyến biên giới Việt – Lào thuộc địa bàn của tỉnh. Toàn bộ hệ thống mốc Quốc giới trên biên giới Việt Nam – Lào thuộc tỉnh Điện Biên đã được xây dựng vững chắc, dễ nhận biết cho các lực lượng vũ trong quản lý biên giới, cho cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc hai bên biên giới, để nhân dân khu vực biên giới nắm bắt hiểu biết hơn trong việc thực hiện các văn kiện song phương về biên giới Quốc gia của hai nước. Đây còn là công trình mang tính biểu tượng về tình hữu nghị đặc biệt về sự hợp tác phát triển giữa nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam – Lào. /uploads/news/2015_12/images1114059_anh_4.jpg Tổ công tác Đồn Biên phòng Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới tuyến Việt - Lào. (Nguồn: Internet). Để có được kết quả tốt đẹp đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã xác định: Đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của các lực lượng tham gia công tác này. Đồng thời cũng đòi hỏi sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước, nhất là nhân dân khu vực biên giới. Vượt lên những khó khăn, vất vả đó, các lực lượng rà phá mìn, vật cản đã thực hiện tại 32 tuyến hướng, rà soát 413,45ha thực địa, đảm bảo an toàn cho các lực lượng thực hiện công tác cắm mốc; các doanh nghiệp đã thực hiện mở 822,3km đường công vụ, phục vụ vận chuyển mốc và vật liệu xây dựng. Đến nay, đoạn biên giới mà tỉnh Điện Biên tiếp giáp với hai tỉnh Bắc Lào, đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam – Lào, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, pháp lý và ngoại giao. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện giai đoạn (2008 - 2015), dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Lào, lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các lực lượng tham gia cắm mốc biên giới tỉnh Điện Biên đã cố gắng phấn đấu tổ chức thực hiện và hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào trên biên giới Việt Nam - Lào đoạn tỉnh Điện Biên - Phoong Sa Ly, Điện Biên - Luông Phra Băng đã đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính khoa học và pháp lý quốc tế. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới của tỉnh, Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới tỉnh Điện Biên thực hiện tốt việc phối hợp với Ban chỉ đạo của tỉnh là Phoong Sa Ly, Luông Phra Băng (nước CHDCND Lào) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của hai bên phối hợp chặt chẽ, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được Chính phủ hai nước thống nhất. Trong các lực lượng tham gia công tác cắm mốc, thì lực lượng bộ đội biên phòng Điện Biên là tham gia tích cực nhất với 16 đồng chí thuộc các Đồn thường xuyên tham gia với hai đội cắm mốc; 676 lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng biên phòng tham gia công tác bảo vệ, dẫn đường để phục vụ xây dựng và đã hoàn thành 156 cột mốc ở 144 vị trí, 26 cọc dấu tại thực địa. Đây là căn cứ quan trọng để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào (Lập lại bộ hồ sơ cắm mốc, nghị định thư về phân giới cắm mốc phù hợp với số liệu kỹ thuật đo đạc thực địa và trên bản đồ biên giới Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 mới đo vẽ). Ghi nhận những thành tích nổi bật của các tập thể, cá nhân, Bộ Ngoại giao - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc tặng 4 bằng khen, 6 kỷ niệm chương; được Chính phủ và Nhà nước Lào tặng 4 Huân chương và 2 Huy chương Hữu nghị vì sự nghiệp biên giới; được UBND tỉnh tặng thưởng 8 bằng khen cho tập thể và cá nhân; Thường trực Ban chỉ đạo tặng giấy khen cho 14 lượt tập thể và cá nhân... Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các lực lượng chuyên môn trong việc tuần tra, bảo vệ cột mốc, bảo vệ đường biên giới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới; góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển toàn diện. Qua đó, còn góp phần đưa Điện Biên, cùng với các địa phương trong cả nước có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị ổn định và hợp tác phát triển, đây là cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa Điện Biên và hai tỉnh Bắc Lào trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế./.
Tác giả: Khánh Toàn (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên)