DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 24/11/2014 12:19
Các đại biểu đi thăm Trung tâm dữ liệu của Công ty viễn thông FPT
(ICTPress) - Đây là một trong số những đề xuất hoạt động thúc đẩy ICT xanh của các nước ASEAN tại “Hội thảo thúc đẩy CNTT xanh và tăng trưởng xanh để phát triển bền vững tại các nước thành viên ASEAN” vừa được Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT tổ chức.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án hợp tác ASEAN được triển khai năm 2014 của Quỹ CNTT&TT ASEAN và đối tác đối thoại Nhật Bản nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia CNTT&TT từ các nước thành viên ASEAN và đối tác đối thoại Nhật Bản, Hàn Quốc trao đổi các vấn đề liên quan đến thúc đẩy CNTT xanh và tăng trưởng để phát triển bền vững tại các nước thành viên ASEAN. Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên như Brunei, Indonesia, Phillipine, Thái Lan, Việt Nam và các chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã tham gia trao đổi tại Hội thảo. ICT là ngành đóng góp vào bảo vệ môi trường bằng cách tăng cường hiệu quả của việc tiêu thụ năng lượng, giảm việc đi lại của con người và các phương tiện và tăng hiệu suất sản xuất và tiêu dùng. ICT được công nhận như là những cách thức hiệu quả để quản lý khí thải hiệu ứng nhà kính và điều chỉnh chất lượng cuộc sống tiến tới xã hội xanh. Theo các thông tin từ các nước thành viên ASEAN, hầu hết các nước đều đã xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và CNTT xanh. Một số nước đã triển khai các ứng dụng cụ thể liên quan đến CNTT xanh như xây dựng hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng điện toán đám mây của Chính phủ Thái Lan, các ứng dụng CNTT để kiểm soát chất lượng nước, chất lượng không khí ở Hàn Quốc, ứng dụng CNTT để giảm tác động của biến đổi khí hậu ở Philippines. Theo ông Tamoaki Tokusa, nghiên cứu viên Quỹ Truyền thông đa phương tiện của Nhật Bản, Bộ Truyền thông Nhật Bản đã có một nghiên cứu tích toán lượng CO2 sẽ giảm khi ứng dụng ICT vào bảo vệ môi trường ở Nhật Bản khoảng 12,3% vào năm 2020 so với năm 1990. Các công nghệ để tăng hiệu suất tiêu thụ năng lượng nhờ ICT và giảm khí thải CO2, có thể được áp dụng cho các thiết bị CNTT (máy tính, server, lưu trữ, bộ định tuyến, màn hình) và quản lý trung tâm dữ liệu. Ngoài đề xuất ngân sách cho nghiên cứu ICT xanh, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị đề xuất để thúc đẩy CNTT xanh bao gồm: các quốc gia cần có các chính sách, chiến lược thúc đẩy CNTT xanh với các mục tiêu cụ thể, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai các giải pháp CNTT xanh, đồng thời cần có các chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực để góp phần hướng tới phát triển bền vững nhờ CNTT xanh. Về các hành động cụ thể, các nước ASEAN nên xây dựng, ban hành các chuẩn về CNTT xanh, các nhãn CNTT xanh về mức độ tiết kiệm năng lượng của các thiết bị. Các nước ASEAN có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai CNTT xanh, tổ chức hội thảo, diễn đàn để chia sẻ các ứng dụng CNTT xanh thiết thực, đồng thời cần có các giải pháp để nâng cao nhận thức về CNTT xanh cho cộng đồng. Điều phối trao đổi tại Hội thảo, ông Lã Hoàng Trung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết hội thảo đã thảo luận về ba nội dung: phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và CNTT xanh, trong đó tập trung trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách và triển khai các ứng dụng thực tế về CNTT xanh để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của các nước ASEAN. Phát triển bền vững là một trong những chủ đề lớn được Liên Hợp quốc quan tâm, đề ra nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Và CNTT xanh là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển bền vững như: giúp giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và giảm rác thải điện tử. Cũng trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã tham quan Trung tâm dữ liệu của Công ty Viễn thông FPT - nơi đã triển khai các ứng dụng CNTT xanh đơn giản như chia tách các luồng khí nóng, khí lạnh xung quanh các máy chủ, nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, mỗi tháng giúp tiết kiệm 20% chi phí điện năng cho Trung tâm dữ liệu.