DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 03/11/2014 11:13
Ảnh minh họa
(Mic.gov.vn) - Việt Nam là nước nông nghiệp với hơn 90% dân số là nông dân. Do đó, nông nghiệp chính là nền tảng phát triển kinh tế, giúp ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có chỉ số cạnh tranh thấp so với nền nông nghiệp của các quốc gia khác trong khu vực. Nếu như những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam đạt khoảng 3,5%, vào loại cao nhất trong khu vực, cao hơn cả Trung Quốc thì nay tốc độ tăng trưởng của ngành này đang có dấu hiệu giảm sút.
Tái cơ cấu nông nghiệp cần cải cách thể chế Tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 với chủ đề “CNTT – Phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong các yếu tố đóng góp cho nông nghiệp bao gồm đất, phân, máy thì lao động chiếm đến 40% trong khi công nghệ, quản lý, chính sách chiếm đến 60%. Nếu áp dụng công nghệ, quản lý, chính sách vào các yếu tố đất, phân, máy, lao động thì nông nghiệp còn đạt tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nông nghiệp dựa trên CNTT sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, sạch hơn và có tính cạnh tranh lớn hơn. Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, muốn tái cơ cấu nông nghiệp cần đẩy mạnh cải cách thể chế. Nghĩa là phải tăng quy mô sản xuất, trang trại lớn hơn, giảm bớt số lượng nông dân, những người nông dân còn lại phải trở thành nông dân chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp phải tập trung thành các hiệp hội ngành hàng, có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp. Cơ cấu nông nghiệp cũng cần tập trung vào 3 việc chính, đó là: Chọn ngành có lợi thế nhất, từ đó xây dựng thành chuỗi giá trị và phát triển thị trường. (Chuỗi giá trị gồm có các khâu: sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Chuỗi giá trị này góp phần kết nối hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cùng tạo sức cạnh tranh mới cho ngành nông nghiệp). CNTT hội tụ với nông nghiệp Cùng chia sẻ quan điểm với Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, ông Ji. Seok Koo, Cố vấn chính sách cao cấp của Cơ quan xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) khẳng định, sự hội tụ giữa CNTT với nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị mới thông qua việc ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong khâu sản xuất, sử dụng các thiết bị kiểm soát môi trường từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, CO2, nước và các yếu tố khác trong các nhà kính trồng rau giúp người nông dân tăng năng suất cây trồng, dùng các thiết bị như máy tính bảng hay điện thoại thông minh kiểm soát các nhà kính thông minh. Đối với người tiêu dùng, họ có thể dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để mua sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ trang trại. Chip gắn trên các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin như rau này được trồng ở đâu, thu hoạch khi nào… Còn ông Tsuyoshi Yamamoto, Chủ tịch Tổ chức CNTT tiên phong Tp.Sapporo (Nhật Bản) nhấn mạnh, CNTT giúp giảm bớt khoảng cách giữa người nông dân và người tiêu dùng. Nhờ có CNTT, nông dân có thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, không cần qua môi giới, không cần siêu thị. CNTT là công cụ hiệu quả để người nông dân tiếp cận, nắm rõ nhu cầu của họ và giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng. Đúng như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014, “với sự hội tụ của mạng xã hội, di động cá nhân, ứng dụng phân tích, điện toán đám mây, CNTT đã tạo ra một nền tảng phát triển mới, trong đó mọi giá trị cá nhân đều được phát huy tối đa. Nhờ CNTT, từ người nông dân đến nhà khoa học đều tìm thấy cơ hội của mình”. Nhưng Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, CNTT đang phát triển quá nhanh, chúng ta không thể đứng ngoài. Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này vì lỡ một tháng hoặc thậm chí một ngày cũng không thể lấy lại được.