DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 18/11/2014 12:28
Chợ phiên A Pa Chải họp ngay khu vực lối mở A Pa Chải - Long Phú.
ĐBP - Cuối tháng 10, khi những ngọn cỏ còn ngậm hơi sương, từ khắp các nẻo đường, người dân ở nhiều bản, làng vùng tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lục tục kéo về chợ phiên A Pa Chải. Theo lịch, lối mở A Pa Chải - Long Phú được mở vào các ngày 3, 13, 23 hằng tháng và đây cũng là những ngày diễn ra chợ phiên.
Độc đáo, ấn tượng Mỗi lần chợ phiên diễn ra, công tác đảm bảo an ninh quốc phòng lại được siết chặt hơn nhằm tránh trường hợp người lợi dụng vào chợ rồi “tranh thủ” vượt biên trái phép. Muốn vào chợ, ai nấy đều phải qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng A Pa Chải và trình chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Các phương tiện đi lại được tập trung tại một khu vực riêng và có các chiến sỹ trông coi cẩn thận, miễn phí cho người dân. Sau khi hoàn thành thủ tục tại khu vực kiểm soát để vào chợ, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi giữa núi non trùng điệp lại “mọc” lên hàng chục gian hàng dựng san sát. Những gian hàng Việt Nam được bày bán tập trung ngay gần lối vào chợ, gian hàng của người Trung Quốc lại nằm phía bên kia của lối mở. Chợ phiên A Pa Chải độc đáo, ấn tượng bởi cách mà người bán, người mua trả giá. Dù là người Việt Nam hay Trung Quốc thì người bán và kẻ mua không nhất thiết phải biết tiếng nước bạn. Người cần mua chỉ chọn hàng và giơ lên, tức khắc người bán sẽ lấy máy tính cộng trừ nhân chia để ra số tiền. Trong ví của người bán luôn có sẵn tiền các mệnh giá của cả Trung Quốc và Việt Nam. Khi được hỏi giá, họ liền mở ví, cầm số tiền tương ứng ra để người kia biết giá. Cứ thế, cho đến khi một bên gật đầu đồng ý thì cuộc trao đổi kết thúc. Trong dòng người đổ về chợ phiên A Pa Chải hôm ấy, có nhóm phượt ở T.P Hồ Chí Minh lặn lội lên. Tay cầm chiếc máy ảnh, anh Trần Anh Thi, quận 5, T.P Hồ Chí Minh háo hức ghi lại những khoảnh khắc độc đáo và nhiều màu sắc ở phiên chợ. Anh Thi vui vẻ cho biết: Nghe nói nhiều về chợ phiên biên giới nhưng giờ tôi mới được đến tận nơi để khám phá nét đẹp của Tây Bắc. Thật thú vị khi chợ lại có cột mốc số 3, đứng từ điểm này có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng những gian hàng đầy màu sắc tô thắm thêm vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Có lẽ vì thế mà đây cũng là lý do khiến hàng năm, khu vực A Pa Chải luôn thu hút nhiều du khách tham quan du lịch chợ vùng biên. Hàng Việt được ưa chuộng Đi sâu vào phía bên kia lối mở, không thể phủ nhận các gian hàng của người Trung Quốc phong phú và có số lượng lớn. Nhiều gian còn được đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng hoành tráng; hàng hóa đa dạng đủ các loại như: thực phẩm, giày dép, quần áo, các sản phẩm điện tử. Hàng Việt được người dân ở hai bên biên giới ưa chuộng hơn. Vừa cầm chiếc máy tính bấm số, vừa nhanh tay giơ gói chè lên, anh Trần Mạnh Tuấn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cùng 3 đồng nghiệp khác say sưa giải thích cho khách hàng là người Trung Quốc về từng loại sản phẩm. Gian hàng của đơn vị anh Tuấn bày bán 100% hàng Việt Nam như: Chè Phan Nhất, áo Việt Tiến, cà phê và gạo Điện Biên. Chỉ trong nửa buổi, đã có gần 100 khách hàng ghé thăm và mua các sản phẩm của đơn vị... Mỗi phiên chợ, doanh thu không phải là mục tiêu để anh Tuấn cũng như các đồng nghiệp hướng tới mà chỉ coi đây là dịp giới thiệu và đem hàng Việt đến gần người dân 2 nước hơn... /uploads/news/2014_11/2_1.jpg Nhiều hàng hóa Việt Nam được người dân Trung Quốc tìm hiểu, hỏi mua ở chợ phiên A Pa Chải. Với mục đích phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của bà con hai bên biên giới, hiện nay, quy mô chợ không ngừng phát triển. Ngoài những gian hàng duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định của các đơn vị, doanh nghiệp thì còn có sự góp mặt của nhiều sạp hàng người dân địa phương; đặc biệt là bà con ở các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải. Trong đó, sạp hàng nông cụ như: dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày của người Hà Nhì ở Sín Thầu thu hút rất đông khách từ người Việt Nam đến Trung Quốc. Chị Trang Pố Cà, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đã bán hàng tạp hóa của Việt Nam ở chợ phiên nhiều năm nay. Mỗi phiên, trừ chi phí, gia đình chị Cà thu về khoảng 5 triệu đồng. Kể từ khi lối mở A Pa Chải - Long Phú chính thức khai thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống. Lối mở A Pa Chải - Long Phú đã được xác định nâng lên thành cửa khẩu trong Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý giữa Chính phủ 2 nước Việt - Trung. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch thành khu đô thị cửa khẩu đến năm 2030. Khi được nâng cấp thành cửa khẩu, ngoài tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng truyền thống đây còn là địa điểm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch. Tuy nhiên giao thông nơi đây còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, đặc biệt hoạt động thương mại chỉ diễn ra vào những ngày chợ phiên. Để mỗi phiên chợ hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh, dịch vụ, cũng cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp và người dân kinh doanh hiệu quả hơn.