Trao đổi với Người Đưa Tin xoay quanh chương trình số hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua, ông Vũ Anh Dũng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Điện Biên cho biết một trong những nhiệm vụ của Sở TT&TT là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số.
Theo ông Dũng, trong thời gian qua, nhận thức số có những chuyển biến vượt bậc, đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Cùng với đó, thể chế số ngày càng được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý vững chắc, định hướng xuyên suốt cho chuyển đổi số các cấp. Tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án; đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số.
“Việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hạ tầng, nền tảng số được xây dựng, củng cố, tăng trưởng; an toàn, an ninh mạngtừng bước được cải thiện; chính phủ sốđược các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh triển khai; kinh tế số tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, xã hội số được quan tâm phát triển để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều dịch vụ số.
Theo Giám đốc Sở TT&TT, chủ động, tích cực chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và toàn xã hội là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số, là giải pháp đột phá, cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chống lại mọi âm mưu diễn biến hòa bình trên không gian mạng
Điện Biên là địa phương còn khó khăn, địa hình miền núi và đông dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, ngành TT&TT tỉnh Điện Biên đã có những giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin nhanh, chính xác.
Ông Dũng cho biết, Sở TT&TT tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Quyết định của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Nghị quyết chuyển đổi số của tỉnh.
Trên cơ sở đó, thời gian tới Điện Biên sẽ tập trung thúc đẩy 8 thành phần cơ bản của xã hội số, gồm: Mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng rộng; mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, một danh tính số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một chữ ký số cá nhân, một phần mềm bảo vệ an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản giúp người dân có thể tiếp cận, khai thác và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống.
Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương để hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản cho người dân thực hiện chuyển đổi số, tiêu biểu như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; nền tảng VneID; cài đặt, sử dụng nền tảng số đặc thù của địa phương (ứng dụng Điện Biên Smart),...
Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới trong việc đẩy mạnh số hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại Điện Biên, ông Dũng cho biết, năm 2024 là năm Điện Biên có nhiều sự kiện lớn và năm nay cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố, nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Sở TT&TT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển số tại các cấp, các ngành. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực thi nhiệm vụ.
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, gắn chuyển đổi số với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn.
Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp các công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng;
Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số báo chí, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất.
Triển khai kế hoạch phát triển ngành TT&TT, các nhiệm vụ của ngành thuộc quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến 2050. Kế hoạch đầu tư công năm 2024, tiếp tục triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin thuộc kế hoạch đầu tư công 2021 -2025.
Đẩy mạnh tác truyền thông chính sách, tạo môi trường thuận lợi để báo chí phản ánh trung thực đúng định hướng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các mặt của đời sống xã hội, nhất là vấn đề phức tạp, quan trọng, nhạy cảm.
Đồng thời, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tăng cường hướng dẫn công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến các tầng lớp nhân dân tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên mạng; bảo vệ nền tảng, quan điểm tư tưởng của Đảng đấu tranh chống lại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch cũng như đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí....
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn