Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Thứ năm - 17/08/2023 05:33
DIC - Thời gian gần đây, thanh toán các khoản phí dịch vụ, tiêu dùng bằng hình thức quẹt thẻ, quét mã QR-Code hoặc qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên nền tảng công nghệ số đã trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn. Đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng phổ biến của người dân, doanh nghiệp.
Thanh toán điện tử đã trở thành hình thức thanh toán khá phổ biến của người dân trên địa bàn TP.
Điện Biên Phủ và các khu vực trung tâm các huyện, thị xã. Phần lớn người dân thanh toán tiền điện, nước, bảo hiểm xã hội, tiền mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua hình thức chuyển khoản tài khoản ngân hàng hoặc quét mã QR. Hình thức thanh toán này mang lại nhiều tiện lợi cho người thanh toán, người thu tiền và các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Ba năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ không phải đến các điểm thu tiền điện để nộp tiền như trước. Hằng tháng, tiền điện được trừ tự động qua tài khoản ngân hàng giúp chị Hiền tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi như nộp tại các điểm thu tiền trực tiếp.
Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: Trước đây, do công việc bận rộn, hằng tháng, tôi không ra đóng tiền điện tại điểm thu tiền đúng lịch. Do đó, hầu như tháng nào gia đình tôi cũng đóng tiền điện muộn. Có những tháng, Công ty Điện lực Điện Biên phát thông báo chậm nộp 1 - 2 lần tôi mới đi nộp tiền điện. Do đó, khi Công ty Điện lực Điện Biên phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, tôi đã đăng ký sử dụng ngay. Sau hơn 3 năm sử dụng, tôi thấy hình thức thanh toán này rất đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng. Hiện nay, các khoản thanh toán dịch vụ như: Điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm xã hội hoặc đi mua hàng tại siêu thị... tôi đều sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tương tự, anh Nguyễn Trung Kiên, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, hình thức thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Trước đây, khi ra ngoài, tôi luôn phải mang theo tiền mặt. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khi hình thức thành toán không dùng tiền mặt phổ biến, ra ngoài tôi không hầu như không mang theo tiền mặt. Mọi khoản dịch vụ tôi đều thanh toán qua hình thức quét thẻ, quét mã QR hoặc chuyển khoản ngân hàng từ rửa xe, ăn sáng... đến các khoản chi tiêu lớn hơn.
Không chỉ người mua hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được người cung cấp dịch vụ, nhân viên thu ngân đẩy mạnh triển khai thực hiện. Hiện nay, phần lớn các nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng cung cấp dịch vụ đều đã trang bị máy quẹt thẻ, mã QR để khách hàng thuận tiện hơn trong việc thanh toán.
Anh Nguyễn Văn Công, nhân viên dịch vụ giao hàng tại TP. Điện Biên Phủ cho biết: Mỗi ngày tôi phải giao hàng trăm đơn hàng. Số tiền mặt phải thu về là rất lớn. Do đó với mỗi đơn hàng, tôi đều khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Với tính chất công việc phải di chuyển nhiều, số lượng hàng hóa và số tiền lớn nên việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp đảm bảo an toàn, tăng tính minh bạch trong thanh toán và hạn chế tối đa đi lại nhiều lần để giao hàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS; thực hiện các dịch vụ thanh toán hóa đơn, viễn thông, viện phí qua dịch vụ thanh toán e-banking, smartbanking, ipay, ví điện tử... Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng đã chủ động giải thích và phản hồi kịp thời các ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng cao. Nếu như năm 2021, tỷ lệ dân số toàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử chỉ đạt 18,36% thì đến năm 2022 tăng lên 35%.

Cán bộ Công ty Điện lực Điện Biên hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua hình thức thanh toán điện tử.

Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên   là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh hình thức thanh toán điện tử. Hiện nay, Công ty đang quản lý trên 138.506 khách hàng; tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 65,91%.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên đã ký hợp đồng liên kết thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với các đối tác: BIDV, LienVietpostbank, Agribank, Vietinbank, Viettel Điện Biên, Payoo. Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán điện tử qua Vimo, Momo, VNPay, cổng Dịch vụ công quốc gia, VNMedia, Zalopay, ViettelPay. Công ty cũng đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Khách hàng có thể lấy hóa đơn tiền điện qua trang chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng như nhận hóa đơn qua thư điện tử mà khách hàng đã đăng ký.
Ông Tao Văn Pắn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên cho biết: Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, Công ty đã giao kế hoạch cụ thể cho từng phòng, ban và đơn vị trực thuộc. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, hằng quý mỗi cán bộ, công nhân viên thực hiện phát triển một số lượng khách hàng thanh toán điện tử nhất định theo các chỉ tiêu của công ty đề ra. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện, Công ty luôn nỗ lực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp phù hợp nhất đối với thanh toán điện tử tiền điện vì mục tiêu tạo sự thuận tiện, hài lòng cho khách hàng.
Trong quy trình thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trung gian đóng vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, các đơn vị trung gian như: Các ngân hàng thương mại, VNPT, Viettel... đã và đang chú trọng phát triển các dịch vụ và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đến nay, 100% ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phát triển các ứng dụng Mobile Banking để phục vụ khách hàng. Với ứng dụng này, khách hàng có thể thực hiện chuyển khoản trong, ngoài hệ thống 24/7, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, mua sắm, thanh toán QR Code, đặt vé máy bay, check-in online, đặt phòng khách sạn, đặt vé xe, vé tàu hỏa cùng nhiều tiện ích khác. Tất cả đều được bảo mật an toàn, tiện ích, giúp khách hàng có thể tiết kiệm thời gian, không mất công đi lại, không phải rút tiền từ máy ATM. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng cường mở rộng mạng lưới về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh ta tập trung thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Tác giả: Bài, ảnh: Quỳnh Lâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây