DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/06/2014 20:25
Cán bộ xã Mường thín - Huyện Tuần Giáo thực hiện chương trình Truyền thanh - Truyền hình. Ảnh: Cao Thương
Đưa thông tin về cơ sở với việc đầu tư hệ thống Truyền thanh cơ sở là một chủ trương lớn, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân; đặc biệt là chính quyền xã, phường, thị trấn khi có thêm công cụ chỉ đạo điều hành mang hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và đảm bảo công tác quản lý, vận hành được tốt lại là một trong những khó khăn của cơ sở; nhất là chính sách phụ cấp cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở quá thấp không thu hút người có năng lực tích cực tham gia.
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có tổng số 30 đài truyền thanh cơ sở đã được đầu tư trong đó có 12 trạm mới được đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia từ 2011 - 2013; 18 trạm được đầu tư, trang cấp ban đầu từ những năm 2002 - 2003. Tuy nhiên, đến nay đã có 02 đài hỏng và bỏ không hoạt động từ năm 2008, 2009 còn lại 16 đài hoạt động không ổn định.Theo kết quả khảo sát thực tế ở 46 xã năm 2013 của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy: Hệ thống các Đài Truyền thanh cơ sở đã được tỉnh đầu tư xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của các Đài đều nằm trong tình trạng thiếu đồng bộ, xuống cấp; chi phí duy trì hoạt động và thay thế sửa chữa hạn hẹp do phụ thuộc vào kinh phí chi thường xuyên hằng năm của UBND xã, phường, thị trấn và các thôn, bản, tổ dân phố. Việc bảo quản thiết bị tại các địa phương chưa được tốt; nguồn nhân lực làm công tác truyền thanh cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng theo yêu cầu; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, chính sách phụ cấp cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở quá thấp, chưa đảm bảo theo quy định, không thu hút người có năng lực tích cực tham gia.Trao đổi với chúng tôi, Anh Lò Văn Nguyễn cán bộ trực trạm phát lại truyền thanh truyền hình xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo chia sẻ: Từ khi xã được tỉnh quan tâm cấp cho 01 máy phát lại truyền hình công suất nhỏ nén đa kênh, tháng 2/2006 anh phụ trách việc trực máy cả ngày, 5 giờ 30’ sáng đã phải dậy bật máy phát, theo dõi hoạt động của máy ngày 11 tiếng, nhân dân quanh khu vực xã quen với việc tiếp sóng của trạm nên hôm nào có trục trặc không phát sóng được là nhân dân lại thắc mắc lên xã, khi đó anh lại phải nhờ đến sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật Đài tỉnh, đài huyện. Ròng rã gần chục năm anh làm công việc này, ban đầu chỉ nhận được 200.000đ/tháng đến tháng 9 năm 2013 mới được xã nâng tiền phụ cấp lên 575.000 đồng/tháng. Đặc biệt theo dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2012, xã Mường Thín được bổ sung 1 trạm truyền thanh không dây được dùng để tiếp và phát sóng Đài Phát thanh Điện Biên, công việc của anh Nguyễn càng thêm vất vả vì bản thân anh không có trình độ chuyên môn về truyền thanh, truyền hình lại phải quản lý vận hành cả trạm máy phát. Anh đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã xem xét tăng số tiền phụ cấp cho anh, tuy nhiên đến nay vẫn không có thay đổi gì.Để tạo điều kiện cho các Đài truyền thanh cơ sở hoạt động ngày một tốt hơn. Ngày 27 tháng 10 năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 3599/BTTT T- PTTH&TTĐT đề xuất quy định chức danh và mức phụ cấp hoạt động không chuyên trách Đài truyền thanh xã. Theo đó đối với Đài truyền thanh có quy mô toàn xã được Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh quan tâm bố trí với 3 người (01 Trưởng đài; 01người vận hành, khai thác và quản lý kỹ thuật, 01 người biên tập thể hiện bản tin hằng ngày) và hưởng các mức phụ cấp 1,0 mức lương tối thiểu với chức danh Trưởng đài và 2 chức danh còn lại hưởng phụ cấp không quá 80% mức của Trưởng Đài truyền thanh xã, riêng người phụ trách truyền thanh thôn bản hưởng mức phụ cấp không 50% mức của Trưởng đài.Hiện nay, các văn bản Quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã như anh Lò Văn Nguyễn cơ bản đầy đủ, tuy nhiên chưa thực sự phù hợp, đảm bảo. Theo Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND, ngày 03/8/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về việc Giao số lượng cán bộ, công chức và quy định chức danh, số lượng, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố: Cán bộ phụ trách Đài truyền thanh (nơi có Đài truyền thanh) là người hoạt động không chuyên trách và hưởng chế độ phụ cấp 0,5 so với mức lương tối thiểu.Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số ít các xã có đài Truyền thanh cơ sở áp dụng định mức phụ cấp theo Quyết định 12/2010/QĐ-UBND, ngày 03/8/2010 của UBND tỉnh Điện Biên như xã Thanh Chăn, Mường Thín....còn lại hầu như các cán bộ đang vận hành khai thác trạm truyền thanh cơ sở các xã đều không được hưởng phụ cấp gì, đây là thực tế từ quan điểm của chính quyền xã khi giao việc phụ trách đài truyền thanh cho cán bộ công chức văn hóa xã thực hiện.Khi trao đổi về trường hợp của anh Lò Văn Nguyễn với ông Lò Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thín, cho biết: “Từ khi nhận máy phát lại truyền hình từ năm 2006 đến nay, xã cố gắng duy trì điều độ việc tiếp phát sóng các kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, với mức độ phủ sóng đến 9/11 thôn bản và cụm bản của xã. Kinh phí hoạt động hằng năm của trạm được lấy từ ngân sách hạn hẹp của xã nên rất khó khăn, nhất là khi máy hỏng hóc; tiền điện tiêu thụ của xã cũng nhiều lên, nhưng được lãnh đạo xã rất ủng hộ vì đến 2/3 số hộ trong vùng được nghe đài và xem truyền hình qua tiếp sóng từ trạm. Số hộ khá giả thì tự mua bộ thu vệ tinh nên mỗi khi trạm có sự cố không phát là dân phản ánh. Chính vì vậy, xã vẫn phải cố gắng duy trì vì nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của xã phải gắn liền với nhu cầu thông tin của nhân dân. Riêng đối với trường hợp của anh Lò Văn Nguyễn tuy làm đã lâu nhưng không phải công chức hưởng lương nên chỉ có thể áp dụng theo Quyết định số 12/2010/UBND để chi trả chế độ phụ cấp, nếu có hướng dẫn tiếp từ cơ quan cấp trên, giao kinh phí xã sẵn sàng bổ sung chế độ cho anh Nguyễn”.Trên thực tế, hiện nay xã Mường Thín là xã duy nhất còn duy trì việc phát sóng cả 2 máy phát (truyền hình, truyền thanh cơ sở) cấp xã và có cán bộ không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ vận hành khai thác, còn lại gần 20 xã đã được Nhà nước đầu tư máy phát truyền hình công suất nhỏ nén đa kênh đang ở tình trạng không sử dụng; 16 trạm truyền thanh cơ sở cũ thì hoạt động không thường xuyên. Khi được hỏi, lãnh đạo các xã đều cho biết với cùng một nguyên nhân: Không bố trí được cán bộ độc lập thực hiện nhiệm vụ vận hành khai thác, xã giao cho công chức văn hóa xã hội của xã quản lý và có việc liên quan thì đưa ra sử dụng. Vì vậy, những cán bộ hưởng lương công chức này không có trình độ chuyên môn để vận hành hệ thống thiết bị này và phần lớn cũng không được hưởng phụ cấp thêm từ công việc quản lý vận hành, khai thác. Cá biệt là xã Tênh Phông hệ thống truyền thanh không dây của xã được đầu tư theo chương trình phủ sóng vùng lõm từ những năm 2003 đến nay hệ thống máy móc bị tháo rời mỗi nơi 1 bộ phận, lãnh đạo xã khi được hỏi: Thiết bị hỏng hóc từ bao giờ, ai quản lý, khi hỏng có báo cáo huyện không, thì nhận được câu trả lời “không biết, vì đấy là của nhiệm kỳ trước”.Từ năm 2011 - 2013, Triển khai dự án 1 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin và cơ sở, Sở Thông tin và Truyền thông đã mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về "Kỹ năng xây dựng bản tin cơ sở, kỹ thuật vận hành khai thác hệ thống trang thiết bị truyền thanh, truyền hình cơ sở" song để đi từ lý thuyết đến thực tế tại cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, khi công việc liên quan đến cả kỹ thuật và nội dung mà cần phải được bồi dưỡng thường xuyên mới có thể đảm nhiệm được, đây chính là nguyên nhân các xã vẫn lúng túng trong việc giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách, cơ chế phối hợp quản lý và xây dựng bản tin cơ sở, đặc biệt sẽ làm tăng thêm các chi phí, như: Phụ cấp cho cán bộ phụ trách; nhuận bút tin, bài cho người tham gia và nếu vận hành liên tục sẽ tăng tiền điện....Ngoài ra, cán bộ tài chính xã chưa hình dung ra tổng chi phí cho 1 hệ thống cả truyền thanh, truyền hình cơ sở để lập dự toán xin cấp hằng năm.Vậy để Chương trình đưa thông tin về cơ sở đem lại hiệu quả bền vững, đáp ứng được mục tiêu: “Truyền thanh cơ sở là: Công cụ đưa thông tin đến với người dân, công cụ chỉ đạo điều hành hữu hiệu của chính quyền xã, phường, thị trấn và có thể là cầu nối giữa hệ thống chính trị cơ sở với nhân dân qua các bản tin trao đổi...” cần sự vào cuộc, triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành. Đặc biệt từ chính cơ sở quan tâm quản lý chặt chẽ, có cơ chế vận hành phù hợp và nhân lực đảm bảo cho nhiệm vụ cùng với áp dụng linh hoạt các chế độ phụ cấp cho cán bộ để khích lệ, nâng cao trách nhiệm làm nhiệm vụ truyền thanh cơ sở, nhất là đối với một tỉnh miền núi biên giới, địa hình chia cắt như Điện Biên.