DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 04/06/2014 20:35
Giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa tại thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Kiều Trang
Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) cấp bộ, các cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành năm 2012 được Bộ Nội vụ công bố đầu năm 2014 thì Điện Biên “đội sổ”. Đây là lần đầu tiên đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính nên có thể chưa thật sát thực ở một vài tiêu chí, tiêu chí thành phần nhưng việc “đội sổ” của Điện Biên cũng phần nào cho thấy sự chưa hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Par Index được xác định thông qua đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần theo ba nhóm phương pháp. Đó là tự đánh giá của các bộ, các tỉnh theo thang điểm quy định sau đó Bộ Nội vụ thẩm định điểm đánh giá này với sự tư vấn của hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Đối với cấp tỉnh, Par Index được xem xét, đánh giá ở 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần và thực hiện điều tra xã hội học với các đối tượng: Đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo cấp sở, huyện, người dân và doanh nghiệp. Việc công bố Par Index cũng là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thấy được mặt mạnh, mặt yếu của mình trong công tác cải cách hành chính (CCHC); từ đó xem xét, điều chỉnh nội dung, mục tiêu CCHC. Thực ra, việc xem xét, đánh giá công tác CCHC đã được tiến hành với nhiều tổ chức, bảng xếp hạng khác nhau. Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm cũng có tiêu chí về CCHC rồi chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) cũng đánh giá công tác CCHC. Song, với Par Index lần đầu tiên được tiến hành theo chỉ đạo của Chính phủ và tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực CCHC: Từ công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng tổ chức thực hiện văn bản cho tới cải cách thủ tục, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… Do đó, Par Index có thể coi là bảng tham chiếu sát thực nhất của mỗi tỉnh trong công tác CCHC.Điện Biên “đội sổ” bảng xếp hạng Par Index có lẽ cũng không phải là điều quá ngạc nhiên; bởi với PCI hằng năm tỉnh ta cũng thường xuyên ở nhóm cuối bảng xếp hạng. Trong bảng xếp hạng PCI thì chỉ số thành phần về CCHC trên địa bàn tỉnh thường không được doanh nghiệp đánh giá cao. PCI lấy ý kiến từ các doanh nghiệp còn Par Index lấy ý kiến nhiều đối tượng khác nhau: Từ chính cơ quan chỉ đạo, điều hành tự chấm điểm cho tới ý kiến của các cán bộ lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp. Mặc dù chỉ số PCI và Par Index đều là những số liệu mang tính chất tham khảo nhưng nó phản ánh khá chính xác về sự hài lòng và nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền, cán bộ, công chức và phần nào thực trạng công tác CCHC tại địa phương. Điều quan trọng là, những chỉ số này đã cho thấy chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh và công tác quản trị, hành chính công, cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế, cần giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn. Những bức xúc của người dân, doanh nghiệp khi giao dịch, quan hệ với cơ quan hành chính, cơ quan công quyền chưa được giải tỏa. Kiến nghị của người dân, doanh nghiệp chậm được giải quyết hoặc trả lời vòng vo, chưa triệt để, kéo dài thời gian làm giảm niềm tin đối với công tác CCHC. Do đó, từ những con số được nêu ra ở các bảng xếp hạng, chúng ta cần nhìn nhận, suy xét thấu đáo hơn về từng giải pháp trong quá trình tiến hành CCHC.Trong tuyên truyền về CCHC trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay chúng ta đang tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tuy nhiên, căn cứ để xếp hạng Par Index thì công tác chỉ đạo, điều hành CCHC lại được chú ý hơn hết với 6 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần trong khi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 4 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần. Điều này cho thấy tầm quan trọng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác CCHC. Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020 mà tỉnh ta xác định là tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và hiện đại hóa nền hành chính. Đây cũng là 2 trong số 7 lĩnh vực mà Par Index đưa ra đánh giá về công tác CCHC song không phải là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất. Những tồn tại, yếu kém trong công tác CCHC không phải ở việc xây dựng các tiêu chí mà chủ yếu là ở phương pháp, cách làm, con người thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu đối với công tác này. CCHC sẽ được thực hiện tốt hơn nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có quyết tâm chính trị cao; chỉ đạo, triển khai quyết liệt; có kiểm tra, rà soát thường xuyên; khen thưởng, xử phạt rõ ràng.Nhìn từ bảng xếp hạng Par Index cho thấy, Điện Biên cần những giải pháp cụ thể, quyết liệt để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong cải thiện chỉ số CCHC. Và nên chăng, chúng ta tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành; có sự so sánh, đối chiếu giữa các đơn vị, giữa người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong từng giai đoạn, từng năm để thưởng, phạt làm động lực thực hiện hiệu quả công tác CCHC.