Chuyển đổi số bắt đầu từ nhận thức

Thứ tư - 24/11/2021 22:27
DIC - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy phát triển, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Xác định chuyển đổi số là lời giải cho bài toán phát triển, thời gian qua Điện Biên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp tới giáo dục, y tế và các ngành khác. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh tới cấp xã...

Cổng DVC tỉnh Điện Biên cung cấp công khai các dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tra cứu, nộp hồ sơ, theo dõi giải quyết thuận tiện.

 
Việc chuyển đổi số đã hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống. Giờ đây chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận thông tin, nắm bắt quy trình kỹ thuật sản xuất, gieo trồng cùng nhiều tiện ích, dịch vụ khác. Việc ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số được áp dụng, thực hiện nhiều hơn trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua. Trước tác động của dịch Covid-19, từ chính quyền tới các doanh nghiệp đều tăng cường hoạt động trên môi trường mạng online. Các loại văn bản, giấy tờ chỉ đạo điều hành chuyển thành văn bản điện tử, gửi nhận trên môi trường mạng. Hoạt động mua bán, trao đổi nông sản, đồ gia dụng cũng chỉ cần cú nhấp chuột là có thể mua được món hàng cách xa cả nghìn cây số. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tổ chức dạy và học trực tuyến chính là việc làm cụ thể của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều người đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục... mà chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện cụ thể của thực hiện chuyển đổi số. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số không phải là điều gì xa vời, là việc của chính quyền, cơ quan chức năng mà đang hiện hữu, gắn bó thiết thực với bản thân mỗi người.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lời giải cho phát triển và phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ quan điểm “Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức”; “nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về chuyển đổi số. Không ít tổ chức, doanh nghiệp cho rằng chỉ cần đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, tập huấn kiến thức sử dụng là có thể hoàn thành chuyển đổi số và trông chờ kết quả tích cực từ chuyển đổi số mang lại. Theo ý kiến của các chuyên gia, chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức, nhận thức của mỗi người; nhất là người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý cộng với số lượng lao động có tay nghề cao. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức và chuyển đổi kỹ năng sản xuất. Việc ứng dụng, thực hiện chuyển đổi số có vai trò quan trọng của người lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không đi đầu, làm gương thực hiện chuyển đổi số, sử dụng công cụ số trong quản lý, điều hành thì rất khó yêu cầu bộ máy bên dưới triển khai thực hiện công việc trên môi trường số.

Do đó, việc chuyển đổi số sẽ không mang lại hiệu quả cao khi mỗi người chưa thay đổi nhận thức. Dự thảo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể dựa trên công nghệ số; phát triển chính quyền số. Phát triển kinh tế số; ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện các mục tiêu của dự thảo Đề án Chuyển đổi số thì việc nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số cần có giải pháp cụ thể từ triển khai tuyên truyền, giao nhiệm vụ và kiểm tra, đánh giá. Cách tuyên truyền thuyết phục nhất chính là việc nêu gương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Hiện nay, các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia. Toàn tỉnh có 587 dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó: 518 dịch vụ thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh thực hiện; 57 dịch vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện thực hiện; 12 dịch vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã thực hiện. Các cơ quan hành chính trong tỉnh tăng cường trao đổi, gửi nhận văn bản qua mạng. Đến tháng 9 năm 2021 đã thực hiện trao đổi 332.315 văn bản qua mạng giữa 243 đơn vị trong tỉnh. Kết quả này cho thấy, chính quyền tỉnh ta đã quan tâm thực hiện chuyển đổi số và người dân cũng tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ hữu ích nhờ chuyển đổi số.

Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để tận dụng cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cú hích của đại dịch Covid-19 cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về chuyển đổi số để đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực./.

Tác giả: Bài: Gia Huy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây