DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 03/11/2014 11:25
Cột thu, phát sóng Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa. Ảnh: Trọng Nghĩa
DIC - Những năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp từng bước xây dựng, phát triển hạ tầng TT&TT đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong công tác quản lý Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy hoạch phát triển ngành làm định hướng phát triển hạ tầng TT&TT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như: Quy hoạch bưu chính, viễn thông thụ động, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, in và phát hành; tham mưu ban hành các quy định, quy chế, các chương trình, đề án, dự án và triển khai thực hiện: Quy định về quản lý, phát triển trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn tỉnh; Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet công cộng trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động TT&TT trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010, Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông; Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015… Bên cạnh đó, Sở TT&TT tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chú trọng phát triển hạ tầng TT&TT tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, đảm bảo hạ tầng để truyền tải kịp thời thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến cơ sở và người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hạ tầng TT&TT trên địa bàn tỉnh được xây dựng, phát triển đáp ứng yêu cầu lãnh đạo chỉ đạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 138 điểm phục vụ bưu chính (trong đó có 92 điểm Bưu điện Văn hóa xã), bán kính phục vụ bình quân đạt 4,49 km/điểm phục vụ; số dân phục vụ bình quân đạt trên 3.970 người/điểm phục vụ; 71 tuyến đường thư, trong đó có 02 tuyến đường thư cấp I, 09 tuyến cấp II và 60 tuyến cấp III. Hạ tầng viễn thông, internet được nâng cấp, mở rộng và nâng cao chất lượng với 503 vị trí và 767 trạm thu, phát sóng thông tin di động; 98/130 xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 3G; 101/130 xã, phường, thị trấn được kết nối internet băng thông rộng. Mật độ thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 70,8 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao internet 2,8 thuê bao/100 dân. Hạ tầng phát thanh, truyền hình được củng cố với 01 Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh và 10 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Toàn tỉnh có 17 trạm phát lại truyền hình với 57 máy phát, 28 Đài truyền thanh không dây. 44% hộ gia đình thu được tín hiệu đài truyền hình địa phương. Dịch vụ truyền hình trả tiền được phát triển trên địa bàn tỉnh cung cấp trên 200 kênh truyền hình tiêu chuẩn SD và HD với trên 14.100 thuê bao. Về hạ tầng CNTT, đến nay 100% các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan Nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Toàn tỉnh có 110 điểm truy cập Internet công cộng; 101/130 xã, phường, thị trấn được kết nối internet băng thông rộng (đạt tỷ lệ 77,7%). Toàn tỉnh có khoảng 11.200 hộ gia đình có máy vi tính (chiếm 10,2%), trong đó khoảng 8.200 hộ gia đình có máy vi tính kết nối internet (đạt tỷ lệ 7,5%); 7,1% người dân biết sử dụng máy vi tính. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển hạ tầng TT&TT trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông chưa đồng đều, phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi, dân cư thưa thớt… Hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hóa xã thấp, diện tích phủ sóng thông tin di động đã được mở rộng tuy nhiên vẫn còn một số vùng sóng lõm, sóng yếu. Hạ tầng mạng viễn thông đầu tư phát triển còn hạn chế, các hạng mục đầu tư chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt dẫn đến sự bất cập trong phát triển hạ tầng mạng, tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng còn thấp. Tỷ lệ cáp quang và ngầm hóa mạng chưa nhiều. Hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình phần lớn được đầu tư từ lâu, công nghệ lạc hậu, các thiết bị đầu tư bổ sung trong nhiều giai đoạn, thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong hoạt động sản xuất chương trình. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở còn thiếu, diện tích phủ sóng thấp; cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở còn thiếu, trình độ còn hạn chế, chế độ chính sách chưa thỏa đáng... Hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT còn khó khăn, chưa đủ để CNTT trở thành động lực đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; công tác quản lý hạ tầng viễn thông, thông tin điện tử, hoạt động các điểm dịch vụ Internet, thuê bao di động trả trước còn nhiều bất cập. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là của các Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện còn nhiều khó khăn do thiếu biên chế, kinh phí hạn hẹp, trang bị phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông ở cơ sở đối với cấp xã, phường, thị trấn chưa được kiện toàn. Phát triển hạ tầng TT&TT có tác động quan trọng đến vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó phát triển ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành TT&TT, tất cả các ngành và các địa phương, đơn vị cần gắn kết nhiệm vụ phát triển hạ tầng của mình với nhiệm vụ phát triển hạ tầng TT&TT, đặc biệt xác định phát triển hạ tầng TT&TT phải đi trước, có như vậy mới xây dựng và phát triển được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ góp phần tạo nên tốc độ phát triển nhanh và bền vững của tỉnh./.