DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 23/10/2014 13:58
Ảnh: Minh họa
Nhiều người hàng ngày say mê, thích thú, chăm chú, miệt mài vào Facebook làm cho tốc độ người dùng tăng đột biến về số lượng lẫn thời gian và đã đưa Việt Nam trở thành nước có lượng người dùng facebook cao nhất Châu á. Vậy tỷ lệ bị lừa đảo trên facebook liệu có cao nhất Châu á?
Thời gian gần đây trên facebook xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo khá tinh vi mà người dùng không để ý hoặc vô tình đã mắc bẫy các chiêu lừa đảo này. Đến nay, Việt Nam đã có gần 20 triệu người chiếm hơn 70% người dùng Internet sử dụng facebook, trong số đó không ít người đã, đang và sắp là những nạn nhân của những trò lừa đảo trên mạng xã hội này nếu chúng ta không cảnh giác. Các hình thức lừa đảo chủ yếu là: Lừa đảo nạp thẻ về các chương trình khuyến mãi của nhà mạng hoặc là đánh cắp tài khoản facebook để lừa đảo những người bạn, người thân của tài khoản được đánh cắp. Vẫn là những chiêu trò cũ đánh vào lòng tham của người dùng với lợi nhuận kếch xù hoặc người dùng đang lầm tưởng kẻ lừa đảo là người thân của mình... Các đối tượng lừa đảo thường dùng Facebook của mình hoặc đánh cắp tài khoản của người khác sau đó phát tán tin về chương trình khuyến mãi nạp thẻ với số tiền gấp 10 lần giá trị của thẻ nạp. Ví dụ, nạp thẻ 50.000đ sẽ có tài khoản 500.000, nạp thẻ 100.000 đồng sẽ có tài khoản là 1.000.000đ... Tiếp đến đối tượng lừa đảo hướng dẫn người dùng bấm cú pháp nạp thẻ vào chính tài khoản điện thoại của chúng mà người dùng không hề hay biết. Phổ biến hiện nay đối tượng lừa đảo hướng dẫn nạn nhân bấm cú pháp *103*84xxxxxxxxxx*mã thẻ#ok với lời giải thích rất thuyết phục "103 là đầu số khuyến mại của nhà mạng, còn 12 chữ số 84xxxxxxxxxx là dãy số bí mật dùng để xác nhận là nhân viên nhà mạng được hưởng khuyến mại", nhưng thực chất là người dùng bị sa bẫy đã nạp tiền vào số điện thoại của chúng. Để tạo lòng tin chúng còn giả danh là nhân viên của nhà mạng hoặc là người thân đang làm trong các nhà mạng có được thông tin bí mật này để lừa đảo theo phương thức trên. Trong tháng 5 vừa qua Công an Hà Nội đã nhận được gần 10 đơn tố giác của người dân về việc họ bị chiếm đoạt tiền của những kẻ đánh cắp tài khoản Facebook để lừa đảo. Đa số nạn nhân đều bị những kẻ lừa đảo giả vờ là người thân, bạn thân nhờ cào thẻ nạp tiền trên facebook, trong số đó có người đã bị lừa số tiền đến hàng trăm triệu đồng. Vậy cách thức chúng đánh cắp tài khoản facebook bằng cách nào, tại sao lại tạo được lòng tin để dễ dàng cho chiêu lừa của mình? Theo các chuyên gia về CNTT thì chúng thường dụ dỗ người dùng ghé thăm ngôi nhà của người thân trên facebook hoặc nhấn vào các đường link mà người thân mình gửi nhưng thực chất đó là những website được chúng tạo ra có phần mềm ghi nhớ mật khẩu sẵn trên đó. Với sức mạnh lan tỏa của facebook thì cứ như thế chúng sẽ đánh cắp được hầu hết các tài khoản và mật khẩu của những người làm theo hướng dẫn trên đó. Trao đổi với chúng tôi chị Phạm Thị Thi, tổ dân phố 5 - phường Tân Thanh - Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Ngày 20/10/2014 vừa qua chị có làm theo một hướng dẫn có trên dòng thời gian của một người bạn để vào một website mà trong đó chẳng có cái gì đáng xem, cho đến chiều một người bạn của chị gọi điện đến và bảo chị gửi những thông tin gì mà chị đó không hiểu. nhưng thực chất chị Thi chưa hề gửi bất cứ một thông tin gì cho những người bạn của mình". Như vậy đã có ai đó có được tài khoản của chị Thi để làm điều này. Đây chính là một hình thức đánh cắp thông tin tài khoản /uploads/news/2014_10/11_5.jpg Ảnh: Minh họa Như vậy, với sự tin tưởng vào người thân hoặc sự tò mò, đặc biệt là lòng tham của người dùng facebook đã tiếp tay cho những tin tặc đánh cắp tài khoản để lừa đảo hoặc nhằm vào mục đích khác mà chủ tài khoản nếu không để ý hoặc không có phản hồi trên cộng đồng mạng thì khó có thể biết được. Để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người khi dùng trang facebook cá nhân khi gặp những tình huống trên, chúng ta cần gọi điện đến tổng đài hỏi đáp của các nhà mạng có dịch vụ khuyến mãi khách hàng để kiểm tra tính chính xác của dịch vụ; nếu nhận được thông tin yêu cầu nạp tiền cần gọi điện lại để không bị mắc lừa; không truy cập vào những wesite lạ, không điền những thông tin của tài khoản và mật khẩu facebook vào các wesite không có tên miền rõ ràng theo quy định của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật về nguyên tắc khuyến mại đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng (Khoản 6 Điều 36 Nghị định 25/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông) thì tổng giá trị tối đa hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị dịch vụ hàng hóa viễn thông chuyên dùng được khuyến mại. Để triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện về các hình thức khuyến mãi. Như vậy không thể có chương trình khuyến mại khi nạp thẻ cào (kể cả nhân viên của nhà mạng) lên tới 10 lần giá của thẻ nạp như nội dung các thông tin lừa đảo trên mạng. Để các hành vị lừa đảo không tiếp tục lan rộng gây ảnh hưởng tình hình trật tự xã hội mỗi cá nhân người sử dụng dịch vụ viễn thông, tham gia mạng xã hội cần tuyên truyền cho người thân và cộng đồng về những hiện tượng, hành vi lừa đảo như trên; nâng cao tinh thần cảnh giác với những tin nhắn những đường link không rõ nguồn gốc, có tính chất mời chào với những lợi nhuận cao…