DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/10/2014 11:41
TS. Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương.
(Mic.gov.vn) - Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nhân sự kiện quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã dành thời gian trao đổi, trả lời phỏng vấn về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung then chốt và định hướng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tạp chí CNTT-TT: Thưa Bộ trưởng, vì sao trong giai đoạn hiện nay, Bộ Chính trị cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đưa chủ trương này vào các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Trong 15 năm qua, CNTT đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Ngày nay, CNTT vừa là một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa là hạ tầng quan trọng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực và của cả nền kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Với vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn được đánh giá cao trong giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước xác định CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội của đất nước, là nền tảng của phương thức phát triển mới, góp phần quan trọng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đồng thời, những kết quả đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) cho thấy Việt Nam thực sự có tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã quyết định xây dựng và ban hành một nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo, định hướng công tác ứng dụng, phát triển CNTT phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành nhằm tạo ra một xung lực mới để góp phần cụ thể hóa, hiện thực hóa các mục tiêu, các khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời, là cơ sở để CNTT của Việt Nam phát triển nhanh theo xu hướng chung của thế giới. Với Nghị quyết 36-NQ/TW, CNTT Việt Nam đang có cơ hội “cất cánh” để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT. Để cơ hội này trở thành hiện thực, cần có quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là của người đứng đầu các cơ quan và sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp CNTT cùng mọi người dân. Tạp chí CNTT-TT: Nghị quyết 36-NQ/TW đã được xây dựng rất công phu, huy động trí tuệ hàng đầu của các cơ quan Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT. Xin Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW đã được xây dựng dựa trên những bài học kinh nghiệm gì tích lũy được trong quá trình thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT ở Việt Nam những năm qua? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Từ đầu năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Ban, Bộ, ngành liên quan và các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT để xây dựng dự thảo nghị quyết. Nghị quyết số 36-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII); phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển CNTT ở Việt Nam; nghiên cứu xu hướng và kinh nghiệm phát triển CNTT trên thế giới. Đồng thời, các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW phải đảm bảo phù hợp với các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020... và kế thừa các nội dung liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT mà Chính phủ đang chỉ đạo triển khai. Từ việc tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW và kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng, phát triển CNTT ở Việt Nam trong 15 năm qua cho thấy, để có thể hiện thực hóa mục tiêu của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như để có thể thực hiện thành công các chương trình, dự án, đề án của Chính phủ về CNTT, cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau: 1. Kinh phí thực hiện: Thực tiễn trong nhiều năm cho thấy, “điểm nghẽn” của hầu hết các chương trình, đề án, dự án về CNTT là vấn đề kinh phí triển khai. Nhiều hạng mục trong các chương trình, đề án, dự án không được bố trí vốn hoặc bố trí không đủ dẫn đến việc thực hiện các hạng mục với quy mô và kết quả không như mong muốn. Vì vậy, các nội dung về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, cụ thể là cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng, phát triển CNTT được lồng ghép xuyên suốt trong Nghị quyết 36-NQ/TW từ quan điểm cho đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết. 2. Nhân lực triển khai: Cùng với kinh phí, nguồn lực con người cũng là một yếu tố quyết định để triển khai thành công các chương trình, đề án, dự án về CNTT. Vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực CNTT với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từ khâu đào tạo CNTT ở các cơ sở đào tạo, cho đến đổi mới chính sách thu hút và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức về CNTT, đặc biệt là tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng, phát triển CNTT nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. 3. Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về CNTT, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về CNTT: Nghị quyết 36-NQ/TW đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trong việc ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta trong những năm qua là do tư duy và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT của nhiều cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu quán triệt sâu rộng trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của CNTT, về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNTT trong quá trình phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. 4. Về công tác điều phối và phối hợp Vấn đề phối hợp để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án về CNTT là rất quan trọng, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đảng, giữa các bộ ngành, giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương, và cơ chế phối hợp giữa các có thẩm quyền quản lý tài chính, đầu tư với cơ quan chủ trì triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án. Trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng Chính phủ đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về CNTT. 5. Cơ chế kiểm tra, đánh giá: Cùng với việc tạo điều kiện về nguồn lực tài chính và con người thì việc có một cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án về CNTT với các tiêu chí cụ thể là hết sức cần thiết. Vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ này trong nội dung tổ chức thực hiện của Nghị quyết. Tạp chí CNTT-TT: Xin Bộ trưởng cho biết những điểm khác biệt và những nội dung chính của Nghị quyết 36-NQ/TW so với Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Nghị quyết số 36-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quan điểm lớn của Chỉ thị 58-CT/TW như: “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển; ứng dụng và phát triển CNTT nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, …”, đồng thời đã bổ sung, làm rõ thêm một số quan điểm mới về ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn mới, cụ thể như sau: Thứ nhất, CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Thứ hai, ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung bắt buộc, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thu hút các tập đoàn công nghiệp CNTT đa quốc gia, hình thành các trung tâm nghiên cứu - phát triển. Thứ tư, đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt; tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tạp chí CNTT-TT: Nghị quyết số 36-NQ/TW ra đời trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết tâm đưa CNTT-TT trở thành nền tảng cho phương thức phát triển mới. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch quán triệt nội dung và triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW trong thời gian tới như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói, Nghị quyết số 36-NQ/TW là văn bản quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển CNTT ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây là văn bản mang tầm chiến lược, đề ra những định hướng dài hạn, xuyên suốt cho sự phát triển toàn diện của CNTT nước ta từ nay đến năm 2030. Để phổ biến, quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp CNTT và toàn xã hội. Ban cán sự đảng Bộ TTTT đã xin ý kiến và nhận được chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phổ biến, triển khai Nghị quyết. Căn cứ hướng dẫn triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 09/10/2014 vừa qua, Bộ TTTT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết 36-NQ/TW đến các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT trên cả nước. Hội nghị cũng đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW do Bộ TTTT xây dựng. Sau khi Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết được Chính phủ phê duyệt, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết để kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TTTT cũng đã yêu cầu tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW trong các tổ chức đảng theo 04 nguyên tắc: 1. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết. 2. Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy tham mưu cho tỉnh, thành ủy tổ chức việc học tập, quán triệt Nghị quyết cho các cán bộ chủ chốt trong phạm vi địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết; đặc biệt quán triệt các quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT theo nguyên tắc phát triển trên cơ sở chỉ đạo, làm tốt công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 3. Để đảm bảo tiết kiệm thời gian và công sức, việc tổ chức học tập và quán triệt Nghị quyết, triển khai chương trình hành động, cần phối hợp với việc tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị khác; hình thức tổ chức hợp lý, nghiêm túc và có hiệu quả. Nghị quyết cần được phổ biến trong các buổi họp chi bộ đến từng đảng viên. 4. Định kỳ hàng năm, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đảng đoàn các đoàn thể Trung ương; Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả về quán triệt, triển khai Nghị quyết và thực hiện chương trình hành động cụ thể về Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp báo cáo Bộ Chính Trị, Ban Bí thư. Nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT không chỉ là việc của riêng ngành Thông tin và Truyền thông mà cần sự tham gia tích cực, rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đảng các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương và người dân. Điều này đòi hỏi các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội. Tạp chí CNTT-TT: Để triển khai thành công Nghị quyết 36-NQ/TW sẽ cần sự nỗ lực lớn và hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội và phối hợp truyền thông của nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương. Với vị trí là tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT), xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chỉ đạo chủ yếu cho các đơn vị trong ngành TT&TT thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Năm 2014 là năm đánh dấu nhiều thành công đáng ghi nhận của Ngành TT&TT, trong đó có sự kiện Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW và trước đó, ngày 15/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Đây thực sự là vinh dự lớn của Ngành TT&TT, đồng thời cũng đặt ra những trọng trách cho Ngành. Trước hết về mặt nội dung, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể cần tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết mà trọng tâm là 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Một là, đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo ứng dụng, phát triển CNTT nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. Ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị. Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT. Hoàn thiện cơ chế tài chính và đầu tư cho ứng dụng, phát triển CNTT, ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT trong nước, thu hút và đãi ngộ đội ngũ làm CNTT. Ba là, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại. Đảm bảo khả năng kết nối liên thông giữa các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng (công dân, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp) và có cơ chế sử dụng chung, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương. Bốn là, ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao, chú trọng ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế, kỹ thuật, trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng (giáo dục, y tế, giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị). Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp lớn. Năm là, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức. Ưu đãi cho phát triển công nghiệp CNTT, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ CNTT, cơ cấu lại hoạt động sản xuất CNTT, thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài về CNTT, ưu tiên các lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ lõi, hình thành chuỗi các khu CNTT đạt chuẩn quốc tế. Sáu là, phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới. Đổi mới phương thức quản lý, nội dung, chương trình đào tạo CNTT, tăng cường đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên CNTT, hỗ trợ kinh phí cho sinh viên đi nghiên cứu, thực tập, làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài. Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, Internet. Xây dựng tiềm lực về công nghệ, cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn mạng, an ninh thông tin. Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn CNTT lớn của thế giới. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Bộ TTTT đã bám sát 8 nội dung nêu trên để xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, theo đó, xác định các nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Hiện nay, dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT và sự tham gia tích cực, chủ động của các Ban, Bộ, ngành, các địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT, chắc chắn ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!