Công tác quản lý Tần số vô tuyến điện đài truyền thanh không dây

Thứ ba - 04/11/2014 11:31

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VIII kiểm tra tần số khu vực cửa khẩu Quốc tế Tây Trang – huyện Điện Biên. Ảnh: Minh Đức

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VIII kiểm tra tần số khu vực cửa khẩu Quốc tế Tây Trang – huyện Điện Biên. Ảnh: Minh Đức
DIC - Đài truyền thanh không dây hiện nay đang là một trong những kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình.
Cho đến nay, công tác quản lý tần số vô tuyến điện tại Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) tỉnh, các Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) cấp huyện và Đài Truyền thanh không dây (TTKD) đã được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chặt chẽ từ quy hoạch tần số đến tiêu chuẩn chất lượng thiết bị. Hiện tại, tỉnh Điện Biên được Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT cấp 224 giấy phép hoạt động tần số cho các cơ quan, các đơn vị, trong đó chỉ có 12/30 đài truyền thanh không dây (TTKD) đang hoạt động đã được cấp giấy phép sử dụng tần số. Sau 7 năm thành lập, Sở TT&TT tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước với nhiều giải pháp cụ thể, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, mục đích hoạt động sử dụng tần số VTĐ cho từng loại thiết bị. Một trong những giải pháp quản lý tần số vô tuyến điện đài TTKD hiệu quả đó là công tác phối hợp chặt chẽ giữa Sở TT&TT với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VIII (thuộc Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT&TT), hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra; đo thông số kỹ thuật thiết bị, hướng dẫn hồ sơ, cấp phép; tổ chức các lớp tập huấn về Luật Tần số vô tuyến điện và các quy định khác liên quan… Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được trong phục vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, việc sử dụng tần số vô tuyến điện Đài TTKD của các xã, phường, thị trấn đang còn nhiều tồn tại như: Các trạm truyền thanh không dây được đầu tư từ trước năm 2012 hầu hết đã hỏng hoặc chất lượng thiết bị thu, phát xuống cấp hoạt động không thường xuyên, Sở Thông tin và Truyền thông đã lập danh sách đề nghị các xã, phường đang quản lý số trạm phát sóng này làm hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tần số. Song đến nay hầu hết các xã, phường đều chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép theo quy định. Riêng đối với số trạm TTKD được đầu tư từ năm 2012 đến nay theo Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đều được Đài PT-TH tỉnh và Sở TT&TT là 2 cơ quan chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy phép trước khi đưa vào hoạt động. Với mục tiêu đảm bảo hoạt động của tần số trạm truyền thanh không dây ở trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đã tổ chức hướng dẫn các đơn vị sử dụng thiết bị TTKD theo đúng quy chuẩn 70:2013/BTTTT và quy chuẩn 47:2011/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông; hướng dẫn các xã bố trí thiết bị thu phát ở các vị trí phù hợp, tối ưu; cụm loa thu phải đặt ở các vị trí cao (tối thiểu là 10m so với mặt đất) và không bị che chắn; trường hợp cần thiết phải sử dụng công suất phát đến 100W do không thể giải quyết bằng các phương án kỹ thuật thì đề nghị lập hồ sơ xin cấp phép và sơ đồ vị trí lắp đặt thiết bị gửi Cục Tần số Vô tuyến điện để được xem xét cấp phép. Trong thời gian tới, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện đối với đài truyền thanh không dây, Sở TT&TT tiếp tục hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn khi đầu tư mua thiết bị mới phải đảm bảo đúng các quy định về quy hoạch tần số (chỉ hoạt động ở dải tần 54-68MHz) và chất lượng thiết bị trạm truyền thanh không dây; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, khai thác, sử dụng của các trạm đã và đang hoạt động; hoàn thiện hồ sơ và chấp hành quy định pháp luật về lệ phí để được cấp giấy phép sử dụng theo đúng quy định. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về kế hoạch số hóa truyền hình đến các đơn vị để địa phương có sự đầu tư trang thiết bị đúng quy chuẩn. Bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý về tần số VTĐ các đài TTKD nhằm tạo điều kiện cho các đài thực hiện đúng quy định của Nhà nước, cũng như góp phần để đài TTKD phát huy hiệu quả là kênh thông tin hữu hiệu đưa thông tin thiết yếu đến với nhân dân và là công cụ chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương./.

Tác giả: Dương Bình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây