DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 15/09/2014 13:53
(Ảnh chỉ có tính minh họa: Minh Tú/ TTXVN)
(Mic.gov.vn) - Từng có thời gian phát triển nhanh, mạnh nhưng đến nay thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn…
Mảnh đất màu mỡ… Tại Hội nghị Quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam diễn ra sáng nay (11/9), ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thị trường truyền hình trả tiền bắt đầu hoạt động từ năm 1993. Từ năm 2001 tới nay, thị trường này phát triển mạnh và tính tới cuối 2013, thị trường có 30 nhà cung cấp dịch vụ. Thời điểm cuối năm 2013, cả nước có trên 6 triệu thuê bao truyền hình trên tổng số hơn 22 triệu hộ gia đình. Hầu như tỉnh nào cũng có truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình cáp đang tập trung ở các khu vực đông dân cư với hàng trăm kênh truyền hình chất lượng cao. Ông Vũ Tú Thành, chuyên gia thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cố vấn của Hiệp hội truyền hình trả tiền tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương (CASBAA) nhận định, tiềm năng phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam là rất lớn. Dẫn điều tra thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam, ông Thành nói, nếu như năm 2009, thị trường mới có 4,2 triệu thuê bao thì việc cuối năm 2013 con số trên 6 triệu thuê bao là một mức tăng ấn tượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới nhất của truyền hình trả tiền để cung cấp cho khách hàng. Hiện, truyền hình cáp phổ biến nhất với thị phần 44%, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh 10%, truyền hình giao thức Internet (IPTV) 10% và kỹ thuật số mặt đất là 36%. Về doanh nghiệp, VTVCab đang chiếm 28% thị phần, đứng sau là SCTV, MyTV (thuộc VNPT), HTV, VTC… Cũng theo ông Thành, doanh thu từ quảng cáo truyền hình tăng khoảng 28% trong vài năm qua. Trong đó, quảng cáo trên các kênh truyền hình trả tiền là khuynh hướng mới tại Việt Nam và đang tăng một cách ngoạn mục, trong tương lai sẽ chiếm 80% doanh thu quảng cáo của ngành truyền hình. Đối mặt với truyền hình OTT Quảng cáo ngày càng tăng, số lượng hộ dân chưa sử dụng dịch vụ còn rất lớn nhưng thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VN Pay TV), đến thời điểm hiện tại thì ở Việt Nam có khoảng 7 triệu thuê bao. Thách thức với các doanh nghiệp hiện nay ngoài việc phải cung cấp nội dung, đường truyền tốt thì còn phải đối mặt với sự xuất hiện của các truyền hình OTT. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các thuê bao ảo [người dân tự đấu nối xem truyền hình trộm-pv]. Ông Cường đưa ra ví dụ, Công ty truyền hình cáp Hà Nội mất 30%, VTVCab mất khoảng 38%... Thậm chí, lãnh đạo của VN Pay TV còn cho hay thị trường hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều doanh nghiệp thực hiện những chiêu khuyến mại xấu. Đơn cử như việc thu hút bằng cách “dụ” thuê bao dịch vụ của đối thủ sang dùng dịch vụ của mình thì sẽ được khuyến mãi 3-6 tháng thuê bao… Ngoài ra, thách thức của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thống chính là việc các các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT… tham gia thị trường sẽ làm hạ giá dịch vụ. Ông Cường nói VN Pay TV đang nghiên cứu xây dựng quy định giá sàn để hạn chế việc này. Còn ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV thì cho biết hiện công ty có trên 700.000 thuê bao và có tới 3-4 năm nay, số lượng thuê bao của HTV không có thay đổi. “HTV là một trong những doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền triển khai cho 29 tỉnh thành, nhưng khi triển khai ra các tỉnh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nếu địa phương đó không ủng hộ,” ông Hòa nói. Lãnh đạo VN Pay TV đề nghị cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp mạnh để thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững. Cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo thì cho biết, thị trường truyền hình trả tiền đang trong giai đoạn quá độ để thích nghi với chính sách quản lý mới của nhà nước. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc cấp phép cho doanh nghiệp có năng lực hạ tầng, vốn đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp đã tham gia thị trường theo hướng hình thành các doanh nghiệp đủ mạnh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình để tạo hành lang pháp lý cho thị trường truyền hình trả tiền phát triển theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới./. Hội nghị Quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam là cơ hội để cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình gặp gỡ trao đổi, cập nhật thông tin, xu hướng mới nhất trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2010, Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự phối hợp của CASBAA và VINASAT. Năm 2014, CASBAA lựa chọn VTVCab đồng tổ chức Hội nghị lần thứ hai tại Việt Nam.