(Mic.gov.vn) - Cơ quan quản lý viễn thông EU dự định bỏ quy định mức giá trần đang áp dụng đối với dịch vụ điện thoại cố định ở châu Âu nhằm tăng doanh thu cho Orange, Telecom Italia và một số doanh nghiệp viễn thông khác.
Đề xuất này là một phần trong một kế hoạch tổng thể nhằm mở cửa thị trường và thúc đấy cạnh tranh hơn đối với lĩnh vực viễn thông ở 28 nước thành viên EU, lĩnh vực được xem đang bị tụt hậu so với Mỹ và châu Á. Quy định này dự kiến được đệ trình lên EU để thông qua vào tháng tới. Theo các khuyến nghị đề xuất, các doanh nghiệp viễn thông như Telefonica và Orang sẽ được tự quyết định giá cước điện thoại cố định áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông và cả đối với doanh nghiệp viễn thông khác đang thuê lại hạ tầng. Các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế cho rằng việc loại bỏ giá trần sẽ cho phép họ đầu tư nhiều hơn trong hạ tầng băng rộng và giúp họ đuổi kịp các doanh nghiệp viễn thông Mỹ. ETNO, là tổ chức vận động hành lang về viễn thông cho Deutsche Telekom, Orange, KPN, Telefonica, Telecom Italia và TeliaSonera, cho rằng trong lĩnh vực viễn thông, cạnh tranh từ các nền tảng kỹ thuật khác và từ dịch vụ OTT đã hình thành nên việc thông qua quy định này là cần thiết để đáp ứng với thực tế thị trường mới. Sự giảm giá cước cuộc gọi và tin nhắn năm này qua năm khác đã làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trong khi các dịch vụ OTT mới như Skype lại bị buông lỏng và không có cạnh tranh. Trong năm 2012, doanh thu từ điện thoại cố định của các doanh nghiệp viễn thông lớn ở châu Âu bị giảm 5 tỷ Euro, xuống còn 59 tỷ Euro. Một yếu tố khác đang gây sức ép lên quản lý giá cước cố định là xu hướng tăng sử dụng điện thoại di động thay thế máy để bàn. Rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet thường bổ sung thêm dịch vụ điện thoại cố định với giá cước rất thấp khi cung cấp dịch vụ truyền hình và kết nối băng rộng. Dự thảo quy định mới cũng cho phép các nước thành viên vẫn có thể duy trì thực hiện quản lý giá cước điện thoại cố định nếu chứng minh được thị trường chưa đủ cạnh tranh. Trường hợp Đức là một ví dụ, các nhà quản lý nước này nói họ sẽ tiếp tục quản lý giá cước điện thoại cố định. Tuy nhiên, việc bỏ quy định giá trần có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp viễn thông nhỏ khi họ phải thuê lại hạ tầng từ các doanh nghiệp viễn thông lớn để cung cấp dịch vụ cuộc gọi cho khách hàng của mình. BEREC, một tổ chức lập pháp của EU chuyên về truyền thông, cho rằng quy định này hơi vội vàng và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. ECTA, là tổ chức vận động hành lang cho TalkTalk, Wind và E-Plus, cho biết người sử dụng ở hầu hết các thành viên châu Âu sẽ có rất ít lựa chọn dịch vụ viễn thông, thường là một và sẽ là dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông lớn, nếu quy định về quản lý giá cước cố định bị bãi bỏ; gỡ bỏ các quy định quá sớm sẽ gây tổn hại đến cạnh tranh và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.