Điện Biên trong xu thế hội nhập và phát triển
Trần Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy
2014-10-14T17:06:37-04:00
2014-10-14T17:06:37-04:00
http://dic.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Dien-Bien-trong-xu-the-hoi-nhap-va-phat-trien-2139.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 14/10/2014 17:06
Là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước, trong khi các tỉnh, thành phố trong nước đã có sự phát triển nhanh, tiếp cận với kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực phát triển kinh tế và đời sống xã hội thì Điện Biên vẫn là tỉnh kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Điện Biên đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, mà cản trở lớn nhất là kết cấu hạ tầng KT - XH thấp kém, thiếu đồng bộ, dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
Nhận rõ yếu kém đó, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, xây dựng Điện Biên phát triển là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức sâu sắc vị thế của mình; việc phát huy tiềm năng, thế mạnh và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trong cả nước là nhân tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của tỉnh trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2015, đưa Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, tăng cường mở rộng đối ngoại - đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII đã đề ra. Những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2006-2010 đạt 11,6%/năm, giai đoạn 2011-2013 đạt 9,64%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp; các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định. Kết cấu hạ tầng KT - XH tiếp tục được đầu tư; đến nay, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, 72,6% dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 88% dân cư thành thị sử dụng nước sạch sinh hoạt... VH - XH chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội. Các vấn đề xã hội bức xúc được chỉ đạo triển khai có kết quả, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo. Đời sống của nhân dân nâng lên; bộ mặt đô thị, diện mạo nhiều vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét. Chính trị ổn định, QP - AN được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng với thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh nghèo, khó khăn nhất cả nước; kết cấu hạ tầng KT – XH thấp kém; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chững lại. Trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực bất cập. Đời sống của một bộ phận khá lớn đồng bào vùng cao, biên giới gặp nhiều khó khăn. Y tế, văn hóa, giáo dục, KHCN chưa đáp ứng so với yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định chính trị. Tình trạng dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập ''Vương quốc Mông'', buôn bán vận chuyển các chất ma túy... diễn biến phức tạp. Trong xu thế hội nhập và phát triển, trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Đảng bộ tỉnh đã xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tập trung vào khâu đột phá để phát triển; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp và du lịch, dịch vụ. Phát triển KT - XH, phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, nhất là các công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các chương trình, dự án... Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, quy hoạch rõ các vùng, ngành, từ đó xác định các đột phá để xây dựng và phát triển; trong đó, triển khai và thực hiện thật tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các vùng đặc biệt khó khăn, các huyện 30a, khu vực biên giới để thu hút đầu tư phát triển, nhất là trong các lĩnh vực trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế và chế biên nông - lâm sản, trồng các loại cây công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Khai thác, phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển KT - XH, nhất là công nghệ về sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và đảm bảo thông tin nhanh, chính xác đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các đối tác; giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, KHCN, GD&ĐT, du lịch, thị trường lao động; khả năng và nhu cầu hợp tác của địa phương. Chủ động trong hợp tác phát triển kinh tế, gắn với không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư; đảm bảo an ninh chính trị, hiệu quả KT - XH, môi trường sinh thái. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, vận động, khuyến khích các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tham gia đầu tư thông qua các chương trình, dự án, các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển kinh tế; mở rộng việc giao thương, du lịch đối với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Nan (Thái Lan)... Cùng với việc phát triển kinh tế, đồng thời chăm lo các mặt VH - XH; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; tập trung đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới. Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với phát triển KT - XH, trọng tâm là đào tạo nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc ít người, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ cấp xã. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, lợi dụng hội nhập quốc tế, vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá và chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc. Tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả các cam kết, quy chế, hiệp định về biên giới; phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, mua bán vũ khí, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác; tuyên truyền thành lập "Vương quốc Mông"; phòng, chống bạo loạn của các tổ chức phản động hoạt động ở vùng biên, đảm bảo khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, nhất là về phát triển kinh tế, đảm bảo QP - AN. Thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Nan (Thái Lan) và các tổ chức quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Cùng với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế và phát huy nội lực của tỉnh, kết hợp với mở rộng quan hệ hợp tác phát triển với bên ngoài. Phát triển toàn diện VH - XH; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển - là lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong xu thế hội nhập và phát triển.
Tác giả: Trần Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy
Nguồn tin: xaydungchinhsach.chinhphu.vn