Khởi sắc nông thôn Điện Biên

Thứ ba - 14/10/2014 17:32
Nằm ở cực Tây của Tổ quốc, Điện Biên được biết đến là một tỉnh miền núi với đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, các cuộc chiến tranh ác liệt, song bằng tinh thần đoàn kết các dân tộc, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, thông qua nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án, diện mạo nông thôn của tỉnh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận và đang từng ngày khởi sắc.
Mặc dù vẫn còn là một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, song một điều có thể nhận thấy khi đến các vùng nông thôn Điện Biên hiện nay, đó là cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống cho người dân, như: điện, đường, trường, trạm... đã được quan tâm đầu tư cơ bản. Cho đến nay, 125/130 xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm; 126/130 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu; 72% dân số ở nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 72% dân số có máy thu hình và được xem truyền hình; những mái nhà đang dần được cứng hóa và kiên cố hơn... Để có được diện mạo trên, phải nhắc đến một nguồn lực rất lớn là từ các chương trình, dự án, nhất là trong một vài năm trở lại đây. Ngoài việc huy động, linh hoạt nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các đơn vị, tổ chức, tỉnh kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình 135, 186, 159, 167, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay vốn giải quyết việc làm, các chương trình quốc gia về y tế, giáo dục, hỗ trợ giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Cùng các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, TĐC Thủy điện Sơn La, Đề án 79... Với mục tiêu cao nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện trên tất cả các mặt đời sống xã hội của đồng bào. Đặc biệt ưu tiên quan tâm đầu tư cho đồng bào các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thông qua đó, đã tạo nên nhiều chuyển biến đáng ghi nhận cho những vùng nông thôn mà trước đây vẫn được xem là nghèo khó.Hiệu quả rõ nét nhất phải kể đến là các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Quyết định 167... Chỉ trong 3 năm trở lại đây (2011 – 2013), toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.287 tỷ đồng, hỗ trợ đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa bàn khó khăn. Nậm Nèn là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà có thể nhìn thấy rõ hiệu quả từ chương trình này trong vài năm trở lại đây. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn đặc thù của địa bàn vùng cao, song về cơ bản cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay đáng kể. Bằng chứng thể hiện ở việc học sinh các dân tộc trong độ tuổi đều được đến trường; ốm đau đã có nơi, có người khám chữa; giao thông cơ bản được đảm bảo và thuận tiện hơn, hiện 4/9 bản có đường bê tông nội bản và phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ bê tông hóa đường giao thông 5 bản còn lại; 2 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho cơ bản diện tích lúa, rau màu của xã; các điều kiện phục vụ đời sống người dân dần hoàn thiện và đảm bảo hơn... Thống kê từ UBND xã, cũng trong 3 năm (2011 – 2013), xã được hỗ trợ gần 20 tỷ đồng từ chương trình giảm nghèo; chủ yếu tập trung cho đầu tư cho giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và hỗ trợ sinh kế, cây, con giống cho người nghèo. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất trên 1,2 tỷ đồng thông qua các tổ chức hội.Cùng với việc triển khai thực hiện các chương trình quốc gia, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đó là các nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phổ cập giáo dục PTCS, phát triển lâm nghiệp, xuất khẩu, du lịch... Đặc biệt là nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, với mục tiêu của chương trình là hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông dân sinh, thủy lợi, nước sinh hoạt cho các bản đặc biệt khó khăn. Các đoàn thể quần chúng, như: Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, đoàn thanh niên... đề cao vai trò, bằng nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, hướng dẫn, vận động hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức này, nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa... đã xuất hiện và được nhân rộng, học tập ở nhiều địa phương. Các đối tượng người nghèo là phụ nữ, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt ưu tiên. Từ nguồn vốn bình quân 4 – 15 triệu đồng/hộ, nhiều gia đình đã đầu tư mua giống cây, con về sản xuất, chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện, nâng cao mức sống. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu chính đáng.Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Điện Biên đang từng ngày, từng giờ hồi sinh, đổi mới. Không chỉ thay đổi về diện mạo, đời sống người dân nơi đây cũng đang dần được nâng lên. Minh chứng cho thực tế ấy là con số hộ nghèo giảm dần qua các năm. Đặc biệt trong 3 năm (2011 – 2013) đã có gần 13.000 hộ thoát nghèo. Đây chưa phải là kết quả vượt bậc, song có thể nói là rất đáng tự hào với một địa phương còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Bà con các dân tộc Điện Biên đã, đang và tiếp tục kiên trì bám trụ với đất, với rừng nơi đây, bằng trí óc, đôi bàn tay lao động cần cù, chăm chỉ cùng nguồn lực rất lớn từ nhiều chương trình, dự án, họ đã dần ổn định cuộc sống và gắn bó xây dựng quê hương.

Tác giả: PVĐT

Nguồn tin: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây