DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 14/10/2014 17:39
Mùa vàng trên cánh đồng Mường Thanh.
Cánh đồng xanh mướt, phẳng lì nằm xen kẽ giữa các khu dân cư, điểm di tích lịch sử là ấn tượng của bất cứ du khách nào đến với Điện Biên khi chiếc máy bay của hãng hàng không Việt Nam Airline chuẩn bị hạ cánh. Đây chính là vùng sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng với danh thơm "gạo Điện Biên"...
Câu "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc" đã xếp Mường Thanh là cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc. Giữa bốn bề núi non trùng điệp, cánh đồng bát ngát nằm dưới thung sâu với diện tích 120km2. Nhờ tích cực khai hoang, cải tạo đất, đến nay tổng diện tích gieo cấy của cánh đồng Mường Thanh đạt gần 5.000ha thuộc khu vực lòng chảo huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Nếu như trước kia người dân bản địa không thể tự túc được lương thực, do thiếu nước tưới nên phần đa diện tích chỉ sản xuất được lúa 1 vụ, năng suất thấp, thì giờ đây nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đầy ăm ắp, nhờ tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ nên năng suất cao, có nơi sản xuất lúa cao sản năng suất đạt trên 10 tấn/ha/vụ. Với bình quân lương thực đạt xấp xỉ 500kg/người/năm, từ chỗ không đủ ăn nay nông dân lòng chảo Điện Biên đã hoàn toàn tự túc được lương thực. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, gạo Điện Biên còn là sản phẩm hàng hóa xuất ra thị trường ngoại tỉnh. Cánh đồng Mường Thanh những ngày này nhuộm màu vàng lúa chín. So với những vụ trước, vụ này Mường Thanh vào mùa sớm gần nửa tháng. Bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ra đồng gặt. Những bông lúa hạt căng mẩy, vàng óng được buộc thành từng bó to xếp đống chờ máy tuốt. Khác với hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau", nay sản xuất nông nghiệp ở Mường Thanh đã được cơ giới hóa với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Đặc biệt việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch đã giảm khoảng 50% chi phí so với việc thuê nhân công, vừa giảm lượng lúa thất thu. Cũng nhờ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mà việc thu hoạch nhanh gọn, giúp bà con nông dân đảm bảo khung lịch thời vụ kế tiếp. Gạo tám Điện Biên - đặc sản nổi tiếng tới mức chả riêng gì người dân Việt Nam mà rất nhiều du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế năm châu đều biết tới. Tám thơm Điện Biên có đặc điểm rất riêng, không giống với bất kỳ loại gạo nào khác với hạt thon nhỏ, đều tăm tắp màu trắng đục, vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm. Thương hiệu "gạo tám Điện Biên" mới chỉ xuất hiện trên thị trường cách đây hơn 15 năm, là kết hợp của nhiều giống lúa thơm như Bắc Hương, Nghi Hương, IR64. Có năng suất, chất lượng cao, giá trị kinh tế vượt hơn so với những giống lúa khác nên các giống lúa thơm thường chiếm 50 – 60% cơ cấu giống ở cánh đồng Mường Thanh. Một thứ gạo nữa của Điện Biên cũng nổi tiếng không kém tám thơm là giống nếp nương. Nếp nương Điện Biên nổi tiếng với hạt to, dài, xôi thơm dẻo và là món quà không thể thiếu của mỗi du khách đến với Điện Biên nhất là dịp khi năm hết tết đến. Thung lũng Mường Thanh bao quanh bốn bề là núi non, nằm ở độ cao 450 – 550m so với mực nước biển, với chất đất phù sa được bồi đắp bởi dòng sông Nậm Rốm. Khu vực lại có nhiệt độ trung bình ổn định từ 22,4 – 23,16oC, biên độ ngày và đêm trung bình cao, chế độ mưa không nhiều, chủ yếu từ tháng 6 – 9, độ ẩm tương đối cao. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, với thổ nhưỡng đặc biệt như vậy là điều kiện lý tưởng cho quá trình tích lũy mùi thơm và độ dẻo của hạt gạo. Có lẽ vì vậy mà gạo Điện Biên thơm ngon, có lợi thế hơn so với gạo của các tỉnh, thành khác, bởi cùng giống lúa nhưng gieo tại lòng chảo Điện Biên lại có chất lượng, hương vị thơm ngon đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều du khách tới các bản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái được thưởng thức món xôi nếp nương đều không khỏi băn khoăn vì sao nếp Điện Biên lại có vị đặc trưng không đâu có được. Có người từng lấy giống lúa nếp Điện Biên về gieo thử dưới miền xuôi nhưng năng suất và chất lượng gạo vẫn không được bằng gieo tại đồng đất Điện Biên. Để gạo Điện Biên thực sự là một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực, tiêu biểu của nền nông nghiệp tỉnh nhà, thương hiệu "Gạo Điện Biên" đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu. Ngày 25/9 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đã góp phần tạo nên thương hiệu bền vững, khẳng định chất lượng, danh tiếng và vị thế của gạo Điện Biên trên thị trường.