Công tác Thông tin Đối ngoại góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng X

Thứ tư - 08/10/2014 13:14
Đ/c Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại ------------------- Tổng kết quá trình 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trên cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, Đại hội đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, trong đó nhấn mạnh phải “đẩy mạnh công tác văn hoá-thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”, làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới, về đất nước và con người Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, trong 5 năm qua, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn. Chính trị xã hội ổn định. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt gần 7%; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến 9/2010 đạt 190 tỷ USD vốn đăng ký, từ 2006 đến nay cam kết ODA dành cho Việt Nam đạt gần 32 tỷ USD, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao. Trong những thành tựu đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển và hải đảo, khuyến khích, động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương. Trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại. Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, theo đó, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa Bộ Ngoại giao với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ban ngành đã từng bước được cải tiến, phát huy hiệu quả trong việc cung cấp và định hướng thông tin, nhất là trước các sự việc phức tạp nảy sinh. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, đồng bộ và toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung ngày càng phong phú. Trên cơ sở đó, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng, bao gồm các chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam và các sự kiện lớn như: Hội nghị cấp cao APEC 14 (2006), Đại lễ Phật đản Vesak (2008), Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (2007), đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ (2008-2009), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Á - Âu lần thứ 9 (5/2009), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Năm 2010, thông tin đối ngoại đã phục vụ tốt cho thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, các Hội nghị cấp cao ASEAN 16, 17, cấp cao Đông Á và các cấp cao liên quan, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43 và Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN 17 (ARF 17) mà Việt Nam đóng vai trò chủ nhà và Chủ tịch ASEAN, sự tham dự của Việt Nam tại các Hội nghị cấp cao G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN, cấp cao APEC 18... Thông tin đối ngoại đã phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, đang phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch, con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời hết sức phong phú và giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam đã được nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài biết tới thông qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với việc tăng cường quảng bá thông tin về đất nước, con người và sự phát triển của Việt Nam, chúng ta đã đấu tranh chủ động và hiệu quả hơn với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ. Chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin chính thống, có định hướng về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Việc Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của nhiều nước về Việt Nam theo hướng khách quan và toàn diện hơn. Việc xuất bản Sách trắng Quốc phòng đã đáp ứng các yêu cầu ở trong nước và quốc tế tìm hiểu về chính sách quốc phòng của ta. Tuyên truyền về kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng với việc ký và đưa vào thực hiện ba văn kiện pháp lý giữa Việt Nam - Trung Quốc, tiến trình phân giới cắm mốc với Lào và Cămpuchia, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được triển khai tích cực với tư liệu phù hợp đến nhiều đối tượng, góp phần tăng thêm nhận thức đúng đắn về chủ quyền biên giới lãnh thổ của đất nước, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và sự tin tưởng của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cơ bản giải tỏa được một số băn khoăn, hoài nghi trong dư luận. Hình thức tuyên truyền đối ngoại cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Trên địa bàn nước ngoài, bên cạnh các phương thức thông tin truyền thống như họp báo, hội thảo, triển lãm, tham gia liên hoan phim, phát hành tờ rơi..., nhiều hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hình thức phong phú như đặt tượng, biển lưu niệm, đặt tên đường mang tên Bác, xuất bản sách về Hồ Chí Minh, các chương trình quảng bá văn hoá, xúc tiến thương mại - đầu tư như “Gặp gỡ Việt Nam”, Ngày/tuần/ không gian văn hóa Việt Nam đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại ngày càng được tăng cường, đa dạng và hoạt động hiệu quả hơn, cả ở trong và ngoài nước. Nếu năm 1992, Việt Nam chỉ có 350 cơ quan báo chí thì đến nay cả nước đã có trên 700 cơ quan báo chí; hệ thống báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình trên mạng interrnet phát triển mạnh. Kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng tới hầu hết các khu vực có người Việt Nam sinh sống. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát triển thêm kênh truyền hình. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có trang thông tin điện tử và tích cực sử dụng công nghệ hiện đại, ấn phẩm bằng đĩa CD, DVD, CD-ROM....để triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước. Chúng ta đã chú trọng tranh thủ báo chí nước ngoài để đưa thông tin về Việt Nam ra thế giới. Ngoài việc tạo thuận lợi cho hơn 1500 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động báo chí hàng năm, và hàng trăm phóng viên vào đưa tin các sự kiện lớn, nét mới là ta đã tăng cường chủ động hợp tác với báo chí, truyền hình nước ngoài ra phụ trương, làm phóng sự về Việt Nam. Thực tiễn triển khai công tác thông tin đối ngoại trong 5 năm qua đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất, nhân tố then chốt quyết định những thành công trong thời gian qua là sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, các đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại. Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Bộ Ngoại giao với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí để bảo đảm công tác thông tin đối ngoại được triển khai thống nhất. Thứ ba, xác định đúng trọng tâm, đối tượng của công tác thông tin đối ngoại trong từng thời điểm để chủ động thông tin về Việt Nam với nội dung, hình thức phù hợp. Thứ tư, phát huy nội lực trong nước đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tạo sức mạnh tổng hợp của thông tin đối ngoại. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác thông tin đối ngoại cũng còn một số hạn chế . Cơ chế chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Nhận thức về vị trí, vai trò của thông tin đối ngoại tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đầy đủ. Nội dung thông tin chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, sức thuyết phục chưa cao. Thông tin về thế giới vào Việt Nam còn thiếu chọn lọc. Thông tin đối nội và đối ngoại chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, có lúc có một số sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Công tác đấu tranh dư luận chưa được tiến hành một cách có hệ thống, lập luận đấu tranh trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, biên giới lãnh thổ chưa chú ý đến những đối tượng ít thông tin, những đối tượng dễ bị lợi dụng, kích động. Việc ứng dụng các công nghệ mới vào thông tin đối ngoại còn chậm và nhiều yếu kém. Lực lượng thông tin đối ngoại còn dàn trải, cán bộ còn thiếu và chưa đồng đều về năng lực công tác. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những biến chuyển nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực đã và đang đặt ra cho công tác thông tin đối ngoại cả thuận lợi và thách thức đan xen. Thuận lợi là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước là chất liệu quý giá để thông tin đối ngoại khai thác. Địa bàn và đối tượng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng mở rộng, có nhiều kênh thông tin, quảng bá hình ảnh Việt Nam. Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ giúp thông tin đối ngoại tiếp cận các phương tiện, kỹ thuật thông tin hiện đại, những phương thức chuyển tải thông tin mới phong phú, đa dạng và hiệu quả. Mặt khác, công tác thông tin đối ngoại cũng đứng trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khó khăn nảy sinh trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, nhiều trào lưu, khuynh hướng tư tưởng, thông tin sai trái dễ xâm nhập vào xã hội ta, tác động tới tư tưởng, tình cảm và lối sống của con người Việt Nam. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục sử dụng những chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ” để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong bối cảnh đó, với tinh thần chủ động, tích cực, bảo đảm phương châm thông tin sinh động, kịp thời, chính xác, kết hợp hài hòa giữa hợp tác và đấu tranh, công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần tập trung vào những trọng tâm sau: Một là, xây dựng Chiến lược quốc gia về thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới nhằm quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển năng động, giàu tiềm năng hợp tác, một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tăng cường thông tin về Việt Nam giúp nhân dân thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, về đất nước, con người Việt Nam. Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ khâu đề xuất đến chỉ đạo, định hướng, điều hành, phối hợp. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo dư luận, cung cấp thông tin chính thống, phản bác các thông tin sai trái về Việt Nam. Ba là, tăng cường tập huấn cho các ngành, địa phương về công tác thông tin đối ngoại. Bốn là, tranh thủ phóng viên nước ngoài, chính giới, giới học giả và văn nghệ sỹ nước ngoài thông tin và quảng bá về Việt Nam. Năm là, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thông tin đối ngoại và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sáu là, hiện đại hoá phương tiện thông tin, ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là internet, xây dựng website, webblog và các diễn đàn trên internet để cung cấp, trao đổi thông tin, đưa ấn phẩm thông tin đối ngoại lên mạng internet, đa dạng hoá các chương trình truyền hình, ấn phẩm báo chí, xuất bản, văn hoá bằng tiếng nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của từng địa bàn để đưa thông tin về Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại cũng như công tác thông tin đối ngoại nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là khi chúng ta chuẩn bị bước vào triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2010. Chúng ta tin tưởng rằng phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục có những bước phát triển mới, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây