Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, thuốc, vật tư để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn đối với tuyến huyện về quy trình điều tra, lấy mẫu, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; cử cán bộ hỗ trợ tuyến huyện tiến hành điều tra, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định. Phối hợp với Sở Y tế trong việc điều tra nguyên nhân, cung cấp hồ sơ, thông tin liên quan đến nguồn gốc thực phẩm và tiến hành xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Sở Giáo dục và Đạo tạo; các Trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; triển khai các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm đặc biệt là tại các trường Nội trú, các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở có tổ chức cho học sinh ăn bán trú; các trường chuyên nghiệp có căng tin trường học.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc triển khai các hoạt động phòng ngừa; điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Trường hợp khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn quản lý, triển khai ngay việc sơ cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc; điều tra, xử lý, lấy mẫu thực phẩm để gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, UBND tỉnh.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Điện Biên phủ phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan tăng cường thời lượng phát sóng và đưa tin, bài về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Truyền tải các thông tin về an toàn thực phẩm, chủ động đưa tin về người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, công khai các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng.