TTHTCĐ phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) phối hợp với Trường Tiểu học Him Lam tổ chức hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” cho học sinh Nhà trường.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, vừa qua, TTHTCĐ xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, như: Ứng dụng định danh điện tử VneID; ứng dụng “Điện tử Smart”; nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số... cho người dân trên địa bàn. Buổi tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số diễn ra sôi nổi, bà con phấn khởi. Chị Lường Thị Bương, bản Cói Bánh phấn khởi chia sẻ: Buổi tuyên truyền này thật hữu ích. Nhờ có cán bộ mà chúng tôi hiểu được những tiện ích cũng như trách nhiệm của mình trong việc chung tay chuyển đổi số.
Ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang, cho biết: Hàng năm, TTHTCĐ xã Ẳng Cang tổ chức, phối hợp tổ chức từ 20 – 30 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kĩ thuật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật… cho trên 1.000 lượt người dân.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang, xác định tầm quan trọng của TTHTCĐ, thời gian qua, cùng với việc xây dựng kế hoạch hoạt động với mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện; cấp ủy, chính quyền, TTHTCĐ xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, người dân về vai trò, vị trí, chức năng của TTHTCĐ đối với việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng xã hội học tập.
“Học để thay đổi” là một trong những mục đích hướng tới của các TTHTCĐ. Do đó, trong quá trình hoạt động, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã cụ hóa các nội dung trong công tác phối hợp vào thực tiễn hoạt động như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện truyền thông; thông qua các hội nghị, chương trình bồi dưỡng giáo viên và thông qua hệ thống hội khuyến học từ huyện đến xã, bản. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, tổ chức Ngày sách Việt Nam; phân công giáo viên trung học cơ sở tham gia giảng dạy tại các TTHTCĐ; tham mưu cho UBND các huyện phân bổ nguồn kinh phí phù hợp để tổ chức các hoạt động tại TTHTCĐ; đồng thời triển khai tổ chức các mô hình TTHTCĐ phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế tại các xã, thị trấn.
Đến nay, toàn tỉnh có 129/129 (đạt tỷ lệ 100%) số xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập được TTHTCĐ. Qua thống kê, từ năm 2021 đến nay, các TTHTCĐ đã tổ chức gần 5.000 lớp cho 130.081 lượt người tham gia tập huấn nghiệp vụ, các chương trình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giáo dục bảo vệ môi trường, tập huấn kiến thức y tế, chăm sóc sức khoẻ, dân số, chương trình giáo dục pháp luật. Gần 100 nghìn lượt người tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, đọc sách báo, thể dục, thể thao, từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Không thể phủ nhận được những tiện ích, kết quả mà các TTHTCĐ mang lại đối với người dân, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn cần giải pháp tháo gỡ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác quản lý là khâu khó khăn ở các TTHTCĐ hiện nay bởi giám đốc trung tâm phần đa là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn kiêm nhiệm. Cùng với đó, việc kiện toàn bộ máy quản lý của nhiều trung tâm chậm; phần lớn các trung tâm thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn sâu và am hiểu phương pháp điều hành loại thiết chế giáo dục dành cho người lớn; một số chưa yên tâm công tác do chế độ phụ cấp còn thấp và kiêm nhiệm quá nhiều việc.
Đặc biệt, tại một số địa phương, các điều kiện bảo đảm cho trung tâm hoạt động vẫn còn thiếu nhiều. Cụ thể, trong tổng số 129 TTHTCĐ toàn tỉnh, hiện mới chỉ có 27 trung tâm có trụ sở riêng, chiếm 20,93%. Còn lại chưa có trụ sở, cơ sở vật chất riêng, sử dụng chung với trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn và trường học. Thậm chí một số địa phương còn phải quan tâm, tạo điều kiện bằng cách cho TTHTCĐ mượn máy tính, máy in, máy chiếu, bảng viết, lớp học.. để hỗ trợ công tác mở chuyên đề tại cộng đồng.
Chưa dừng lại ở việc khó khăn về cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu của đa số các trung tâm dù đã có tủ sách riêng song vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân. Cùng với đó, kinh phí hoạt động thường xuyên cho TTHTCĐ dù đã đảm bảo theo Thông tư 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính; mỗi năm hỗ trợ kinh phí từ 20-50 triệu đồng/trung tâm tuy nhiên vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế…
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là xuất phát từ thực tiễn, để các TTHTCĐ thực sự là “trường học” tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thiết nghĩ công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu hơn tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời là việc làm hết sức quan trọng.
Song song với đó, các địa phương, nhất là cấp huyện cũng cần bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị cho TTHTCĐ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng các TTHTCĐ. Đối với các TTHTCĐ, cần làm tốt công tác điều tra nhu cầu học tập của người dân, xây dựng kế hoạch mở lớp sát thực tế, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đa dạng hóa nội dung, chương trình, tài liệu và hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của nhân dân… Từ đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng.