UBND tỉnh lấy ý kiến vào kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020

Thứ hai - 03/11/2014 15:58

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Nhân phát biểu tại buổi họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Nhân phát biểu tại buổi họp.
ĐBP - Ngày 31/10, UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến vào dự thảo xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020. Đồng chí Hoàng Văn Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND chủ trì hội nghị.
Dự thảo báo cáo Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh nêu bật một số thành tựu trên các lĩnh vực phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN trên địa bàn. Đó là trong 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH (2011 - 2015), vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế toàn tỉnh phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm tăng 6,25 – 6,5%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 1.100 USD (gấp 1,95 lần năm 2010); cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác QPAN và hoạt động đối ngoại được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Đến năm 2015, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm cơ bản hoàn thành, đưa Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển. Định hướng Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Điện Biên trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình trong khu vực Tây Bắc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng trên 8,5%, nâng mức GDP bình quân đầu người của tỉnh lên 1.800 – 2.000 USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 14.200 tỷ đồng (riêng thu nội địa 1.200 tỷ đồng); tỷ trọng khu vực nông – lâm nghiệp chiếm 21,59%; công nghiệp – xây dựng 29,62%; các ngành dịch vụ chiếm 48,79%; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 14,36% vào năm 2020… Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế. Tỉnh cũng xác định 7 biện pháp đảm bảo thực hiện, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững; đổi mới, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch; thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ; huy động, thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển KT – XH 10 năm 2011 – 2020… Tại buổi họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá trong dự thảo Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2016 – 2020; một số đại biểu cho rằng cần xem xét lại một số chỉ tiêu đánh giá về kết quả thực hiện trên một số lĩnh vực đảm bảo tính thống nhất về số liệu; chỉ rõ một số chỉ tiêu, kế hoạch không đạt cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề ra giải pháp sát thực, hiệu quả thời gian tới. Đối với giai đoạn 2016 – 2020 cần điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng KT – XH, như: phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị. Việc xác định cơ cấu kinh tế cần đảm bảo sự hài hòa giữa các khối, ngành và các khu vực… Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Nhân ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương vào dự thảo Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2016 – 2020; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch đảm bảo tính khách quan, trung thực, toàn diện cho cả giai đoạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo sớm trình UBND tỉnh xem xét.

Tác giả: Tin, ảnh: Gia Kiệt

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây