DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 05/11/2014 10:41
Cán bộ văn thư Sở TT&TT tiến hành phân loại công văn đến và vào sổ văn bản mật theo quy định. Ảnh: Trọng Nghĩa
DIC - Bảo vệ bí mật Nhà nước góp phần giữ vững an ninh Quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mỗi cơ quan Nhà nước cũng như đối với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Quốc gia, là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và công dân. Ngay từ ngày đầu thành lập Sở Bưu chính Viễn thông trước đây (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-SBCVT, ngày 23/11/2007 về Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước, kèm theo đó là danh mục BMNN độ “tối mật” và “mật” trong ngành Bưu chính, viễn thông và Công nghệ thông tin. Để thực hiện tốt công tác này, Sở đã thường xuyên triển khai tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ BMNN đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. Bố trí cán bộ làm công tác văn thư - lưu trữ thực hiện việc bảo vệ BMNN theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không để xảy ra mất, lộ, lọt thông tin bí mật Nhà nước. Việc soạn thảo, lưu trữ, in, sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản, sử dụng tài liệu BMNN được thực hiện theo đúng quy trình, máy tính sử dụng soạn thảo các văn bản mật và lưu trữ các thông tin mật không kết nối Internet, mạng nội bộ, giao cho bộ phận có trách nhiệm quản lý, văn bản mật đến và đi của cơ quan được lập sổ theo dõi riêng. Song song với việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc bảo mật, Sở TT&TT đặc biệt chú trọng công tác việc quản lý, sử dụng, truy cập Internet, nghiêm túc các quy định về an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng khi truy cập Internet, đặc biệt là quy định về quản lý và sử dụng thiết bị lưu trữ ngoài (USB, thẻ nhớ…). Tăng cường giải pháp an ninh, an toàn, bảo mật công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị; xây dựng phương án đảm bảo an toàn BMNN hệ thống cơ sở dữ liệu tại đơn vị; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản trong trao đổi thông tin nội bộ theo đúng quy định. Khuyến khích cán bộ, công chức hạn chế sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoài, các phương tiện có nguồn gốc nước ngoài, không rõ xuất xứ để tránh lây nhiễm các loại virus độc hại, phòng ngừa hoạt động thu thập, lấy cắp, chiếm đoạt thông tin BMNN. Sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền và thường xuyên cập nhật phiên bản mới, cài đặt quét virus hằng ngày để phát hiện và loại bỏ mã độc trong máy tính, ngăn chặn nguy cơ lộ, lọt BMNN. Quản lý chặt chẽ việc trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí, xuất bản và các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là các thông tin qua mạng Internet theo quy định. Do đó thông tin BMNN tại cơ quan luôn được giữ vững, an ninh thông tin được bảo đảm. Bên cạnh những kết quả đã triển khai, công tác bảo vệ BMNN tại Sở TT&TT vẫn những tồn tại, hạn chế do việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện chế độ bảo mật, việc báo cáo định kỳ chưa được tiến hành thường xuyên. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ BMNN trong tình hình mới. Sở TT&TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hướng dẫn ứng cứu sự cố máy tính bị mã độc tấn công; chủ trì xây dựng kế hoạch đánh giá toàn diện vấn đề an ninh mạng của tỉnh, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp thiết thực cần phải làm để khắc phục tình trạng hạn chế của hệ thống mạng, bảo vệ BMNN góp phần bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh./.