DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 31/10/2014 11:25
Đoàn Kiểm tra của BCĐ ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Điện Biên kiểm tra tại huyện Mường Nhé. Ảnh: Xuân Dũng
DIC - Với mục tiêu đưa hạ tầng mạng truyền dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn trở thành kênh truyền dẫn chính thống và duy nhất phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hiện đại của tỉnh, mới đây, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT). Thực tế, việc xây dựng chính quyền điện tử chính là một bước tiến dài trong quá trình cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính điện tử chuyên nghiệp, hiện đại. Song hiện nay, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân không hoàn toàn bởi hạ tầng viễn thông.
Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT năm 2013 thì Điện Biên ở vị trí 60/63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm các tỉnh có mức độ ứng dụng CNTT trung bình trong cả nước. Trong đó, tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh xếp hạng 47/63, tăng 6 bậc so với năm 2012 nhưng nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT lại tụt 11 bậc (so với năm 2012, do 2013 và 2014 giữ nguyên vị trí 60/63). Tất nhiên, việc xây dựng chính quyền điện tử không chỉ là nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT mà trước hết là việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khả năng khai thác và sử dụng CNTT trong giao dịch hành chính… Điều này cho thấy việc cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử trước hết phải bắt nguồn từ chính con người: Từ lãnh đạo, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và cả người dân trong quá trình tham gia hoạt động giao dịch hành chính. Cách đây hai năm, ngày 14/9/2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng CNTT và sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo này nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan Nhà nước (Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 3/12/2008) và tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 22/5/2012). Thực hiện chỉ đạo này, đến nay đã có 95% cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh và 70% cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện trên địa bàn tỉnh được trang bị các phần mềm có chức năng quản lý văn bản và điều hành qua mạng. Một số cơ quan Nhà nước đã thực hiện trao đổi văn bản qua hệ thống quản lý điện tử; số hóa văn bản điện tử thay thế văn bản giấy. Điển hình như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện số hóa trên 90% văn bản điện tử thay thế văn bản giấy; quản lý, điều hành nội bộ bằng hệ thống văn phòng điện tử eOffice. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ thống văn phòng điện tử eOffice đến 18 cơ quan, đơn vị trong đó có 13 sở, ngành; 5 UBND cấp huyện. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống văn phòng điện tử ở nhiều sở, ngành, đơn vị chủ yếu và quản lý văn bản đến, đi, giấy mời họp, tài liệu phục vụ họp, các văn bản để biết, báo cáo, thông báo chung của các cơ quan… Việc ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế và chủ yếu theo cách thức truyền thống. Tỷ lệ CBCC, VC sử dụng thư điện tử trong công việc mới đạt mức tương đối ở cấp tỉnh, cấp huyện với trên 70% còn ở cấp xã rất thấp chỉ 18%. Trình độ và khả năng ứng dụng, sử dụng CNTT của CBCC, VC đặc biệt ở cấp xã là một vấn đề cần quan tâm và có giải pháp tháo gỡ trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Đơn cử, huyện Tuần Giáo hiện còn gần 55% số cán bộ chuyên trách cấp xã không có trình độ chuyên môn và chưa qua đào tạo, trong đó có nhiều cán bộ có trình độ văn hóa tiểu học và trung học cơ sở. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đáp ứng công việc và mức độ hoàn thành công việc, trong đó việc ứng dụng CNTT chắc chắn rất thấp, thậm chí nhiều công chức cấp xã chưa thể định hình về một chính quyền điện tử ra sao. Hiện nay, thư điện tử trong trao đổi công việc giữa các cơ quan, đơn vị và CBCC, VC phần lớn là sử dụng các hộp thư miễn phí quốc tế như yahoo, gmail nên khả năng mất an toàn an ninh thông tin rất cao. Trong khi đó, hệ thống thư điện tử của tỉnh dù đã đầu tư nhưng chưa được nâng cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng hộp thư công vụ trong trao đổi công việc giữa các cơ quan và CBCC, VC trong tỉnh. Thực tế, trong công tác ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, nhận thức của CBCC, VC là vô cùng quan trọng. Bởi việc ứng dụng CNTT không chỉ để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn mà đây còn là công cụ để người dân giám sát hoạt động hành chính của cơ quan công quyền. Do đó, CBCC, VC phải có kỹ năng thao tác sử dụng máy tính phục vụ công việc hàng ngày; đặc biệt lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng phải xem đây là công cụ hỗ trợ giám sát kết quả hoạt động của đơn vị và hiệu quả công việc của CBCC, VC. Việc ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng chính quyền điện tử không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn trong giải quyết thủ tục hành chính mà đây cũng là công cụ hữu hiệu để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của CBCC, VC trong thực thi nhiệm vụ. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ CNTT hướng tới chính quyền điện tử thì vấn đề con người cần được ưu tiên xem xét; đặc biệt trong việc đào tạo, nâng cao khả năng thích ứng công việc. Song song với việc quan tâm về hạ tầng viễn thông - CNTT thì yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ CBCC, VC là khả năng ứng dụng CNTT để giải quyết công việc hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn công tác cải cách hành chính./.