Trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện

Thứ sáu - 14/08/2015 05:07

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm (Ảnh: Xuân Lộc).

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm (Ảnh: Xuân Lộc).
Hôm nay 14/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ TT&TT tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm và phát hành đặc biệt bộ Tem 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945-15/8/2015), 68 năm Ngày thành lập Công đoàn TT&TT Việt Nam (30/8/1945-30//8/2015).
Đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và UBND Thành phố Hà Nội. /uploads/news/2015_08/2015814-m03.jpg Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm (Ảnh : Xuân Lộc). Ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào đã ra nghị quyết thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”, tổ chức tiền thân của Ngành Bưu điện Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến, hơn 1,2 vạn cán bộ công nhân viên Ngành Bưu điện đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi nước nhà thống nhất và trong thời kỳ đổi mới (1986-1992), Bưu điện Việt Nam đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”. Tiếp đó, Ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” cho giai đoạn 1993-2000. Bước sang thể kỷ 21, chiến lược của Ngành là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế. Thành tựu quan trọng của quá trình đổi mới chính là đổi mới cơ cấu tổ chức, tách riêng lĩnh vực quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập, tăng cường tạo dựng môi trường pháp lý, xây dựng và ban hành nhiều văn bản Luật như: Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về viễn thông, CNTT, truyền thông vào năm 2020... Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, từng bước hình thành các Tập đoàn, Tổng công ty lớn. Trong đó, VNPT với Vinaphone, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Mobifone... là những đơn vị chủ lực thúc đẩy thị trường phát triển. Bên cạnh sự phát triển nhanh của bưu chính, viễn thông và CNTT, báo chí, xuất bản cũng không ngừng tiến bộ, cả nội dung, hình thức, chất lượng. Hiện tại, Ngành TT&TT đang thực hiện quá trình tái cấu trúc theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó việc chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là bưu điện và viễn thông đã tạo cơ hội cho cả hai lĩnh vực cùng phát triển đồng đều. Lĩnh vực viễn thông vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa tiến hành quá trình tái cấu trúc thành công với những bước chuyển biến ấn tượng. Tái cấu trúc VNPT với chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ - giải pháp tích hợp hàng đầu; thành lập Tổng công ty Mobifone; điều chuyển các đơn vị thuộc VNPT để tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện nay, mạng lưới bưu chính có trên 12.600 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,82 km/điểm; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày, góp phần cung cấp các dịch vụ bưu chính cơ bản phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân. Lĩnh vực viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40% đến 50%. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2014 đạt gần 305.000 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 26.000 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng thông tin truyền dẫn hiện đại công nghệ IP, mạng cáp quang băng rộng, mạng thông tin di động 2G/3G, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực... Lĩnh vực CNTT đã có chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài với giá trị hàng tỷ USD; tăng trưởng doanh thu toàn Ngành giai đoạn 2010-2014 đạt mức từ 20-25%. Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã không ngừng phát triển cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng. Cả nước có 838 cơ quan báo in, 90 báo và tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với 180 kênh phát thanh và truyền hình quảng bá, 40 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép. Cả nước có 05 đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất, 03 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh; 27 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Diện tích phủ sóng phát thanh đạt trên 95% diện tích lãnh thổ và phủ sóng truyền hình đạt trên 90%. Trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, đến hết 2014, tổng doanh thu ước đạt 2.465,4 tỷ đồng; toàn quốc có 63 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Ngành đã xuất bản được hơn 25.000 cuốn sách, trên 859 loại văn hóa phẩm và hơn 1.000 tỷ trang in. Lĩnh vực thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân cũng như đến với bạn bè quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô. Song hành cùng Ngành TT&TT, Công đoàn TT&TT Việt Nam với tiền thân là Công đoàn Bưu điện Việt Nam, được thành lập ngày 30/8/1947, với 1.460 đoàn viên thuộc 17 tổ chức công đoàn trực thuộc, nay có hơn 8 vạn đoàn viên với 8 công đoàn cấp trên cơ sở, 223 công đoàn trực thuộc công đoàn cấp trên cơ sở đóng trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, triển khai và phát huy có hiệu quả vị trí, vai trò vận động người lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CBCNV. Ngành TT&TT đang quyết tâm thực hiện thách thức để thực hiện chiến lược tăng tốc “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh CNTT&TT” với các giải pháp cơ bản: Phát triển công nghiệp CNTT, coi đây là ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm, đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP; Phát triển nguồn nhân lực CNTT&TT, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ; Ứng dụng có hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội; Hoàn thiện tái cấu trúc lĩnh vực bưu chính – viễn thông và tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục kiện toàn hệ thống công đoàn trong Ngành TT&TT phù hợp với mô hình mới. 70 năm lớn lên cùng đất nước, Ngành Bưu điện đã có những bước phát triển dài. Phát huy truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của ngành Bưu điện, Ngành TT&TT Việt Nam sẽ kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, hội nhập và phát triển” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Lễ kỷ niệm, Bộ TT&TT cũng phát hành đặc biệt bộ Tem 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện Việt Nam./.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây