DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 11/08/2015 04:41
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên trong toàn Ngành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2015) và 68 năm Ngày truyền thống Công đoàn Thông tin và Truyền thông (30/8/1947 - 30/8/2015).
Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2015 Các đồng chí thân mến! Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2015) và 68 năm Ngày truyền thống Công đoàn Thông tin và Truyền thông (30/8/1947 - 30/8/2015), thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi thân ái gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên trong toàn Ngành Thông tin và Truyền thông những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Tròn 70 năm trước, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào vào ngày 14 và 15/8/1945 đã thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có quyết định thành lập “Ban giao thông chuyên môn” nhằm tăng cường công tác giao thông, liên lạc cho cách mạng. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son đánh dấu sự ra đời của Ngành Bưu điện Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên trong Ngành, năm 1980 Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện đã quyết định lấy ngày 15/8 là Ngày truyền thống Ngành Bưu điện. Được sinh ra trong thời khắc lịch sử của cách mạng và được tôi luyện trong suốt 30 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và 40 năm hòa bình, thống nhất, xây dựng đất nước, Ngành Bưu điện đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy, thiếu thốn để giữ vững huyết mạch thông tin, liên lạc phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Mười chữ vàng truyền thống của Ngành Bưu điện “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” đã được tạo dựng từ những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, được vun đắp bởi sự mất mát, hy sinh, của hàng vạn liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và công lao to lớn của lớp lớp các thế hệ đi trước. Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Bưu điện đã nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện đại, phát triển mạng lưới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và kiên trì phổ cập dịch vụ thông tin và truyền thông, dũng cảm thay đổi cách nghĩ, cách làm để tạo nên thị trường bưu chính, viễn thông năng động, cạnh tranh lành mạnh, mang lại giá trị to lớn cho toàn dân và tiến bước mạnh mẽ, vững chắc ra thị trường thế giới. Với quyết định táo bạo, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hoá và đa dịch vụ, Ngành Bưu điện đã thực hiện thành công chiến lược tăng tốc và trở thành ngành kinh tế, chính trị, kỹ thuật, dịch vụ tổng hợp, làm nền tảng cho hội nhập và phát triển đất nước. Đến nay, mạng lưới bưu chính đã được củng cố, hiện đại hóa và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân. Mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm Bưu điện - Văn hoá xã; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày. Bưu chính, phát hành báo chí đảm bảo đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tin tức và kiến thức thiết thực đến cho đồng bào cả nước. Viễn thông, Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hiện đang đảm bảo thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi cho hơn 124 triệu thuê bao di động, trên 44 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc; đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách với khoảng 26.000 tỷ/năm. Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống. Công tác thông tin tại cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được đẩy mạnh; thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động và trở thành một nền tảng không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, Internet và công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền báo chí, xuất bản, tiên tiến, hiện đại. Cả nước hiện có gần 850 cơ quan báo, tạp chí in, 66 đài phát thanh, truyền hình với 181 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; trên 100 cơ quan báo điện tử, 423 mạng xã hội và trên 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hoạt động xuất bản, in, phát hành từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Năm 2014 đã xuất bản 25.000 đầu sách với 361 triệu bản, 859 loại văn hóa phẩm với 28 triệu bản, góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội. Phấn khởi và tự hào với những thành tựu của Ngành, chúng ta càng quyết tâm, vững bước để tái cấu trúc thành công Tập đoàn VNPT theo quyết định của Chính phủ. Triển khai tái cơ cấu đã tạo ra một làn gió mới, tạo tâm lý ổn định để lợi nhuận của Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái. VNPT đang mạnh dần lên với việc hình thành 3 Tổng công ty: Tổng công ty dịch vụ viễn thông, Tổng công ty truyền thông và Tổng công ty hạ tầng mạng. Bên cạnh những dịch vụ truyền thống như thông tin di động, băng rộng, truyền hình trả tiền, VNPT tiếp tục triển khai, phát triển các dịch vụ CNTT, nghiên cứu phát triển và sản xuất công nghiệp. Sau khi tách ra từ VNPT, Tổng công ty Bưu điện Việt nam (VNPost) và Tổng công ty viễn thông Mobifone đã trở thành 2 Tổng Công ty đặc biệt, là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính và thông tin di động tại Việt Nam. Cùng với chuyển động của Ngành, tháng 5 năm 2015 đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng của Công đoàn Bưu điện Việt Nam thành Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Vai trò của các tổ chức Công đoàn trong Ngành càng đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu tâm tư, tình cảm và vận động, động viên người lao động quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, góp phần cùng toàn Ngành Thông tin và Truyền thông thiết thực chào mừng Ngày truyền thống vẻ vang của Ngành Bưu điện và Công đoàn Thông tin và Truyền thông. Các đồng chí thân mến, Hòa chung vào không khí tưng bừng của cả nước kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2 tháng 9, chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành, tưởng nhớ sự hy sinh và công ơn xây dựng của các thế hệ đi trước. Tôi tin tưởng mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ và truyền thống của con người Bưu điện, để xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng lớn mạnh, tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một lần nữa, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi thân ái gửi đến các đồng chí cán bộ lão thành, các gia đình liệt sĩ, các gia đình thương binh, cán bộ hưu trí, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các học viên, sinh viên trong toàn Ngành Thông tin và Truyền thông lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chào thân ái! TS Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tác giả: TS Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.