Điểm hẹn ngã ba biên

Thứ năm - 23/01/2014 04:00

Đường lên mốc ngã ba Việt – Trung – Lào.Ảnh :Nhất Nguyên

Đường lên mốc ngã ba Việt – Trung – Lào.Ảnh :Nhất Nguyên
Kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo xã Sín Thầu thì trời đã tắt nắng, chiều biên giới tối nhanh, lạnh tê tái. Chúng tôi về tới Đồn Biên phòng A Pa Chải thì bóng tối cũng nhọ mặt người. Rót chén chè nóng rãy, Đồn phó Phạm Anh Sơn nói như động viên: Anh em mình ăn tối muộn một chút, có một đoàn khách du lịch sắp lên tới nơi, chúng ta ăn cùng cho vui! “Ở đây các anh đón nhiều khách thăm lắm nhỉ?” – Tôi hỏi. Thiếu tá Sơn cười phóng khoáng: Đúng thế! Có vẻ hơi lạ khi ở nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất nhưng chúng tôi thường xuyên có khách.
Nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên khi mọi người biết rằng, cả nước chỉ có duy nhất một điểm ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào này. Thế nên, mỗi năm có rất nhiều đoàn khách, từ Nam chí Bắc đến thăm đơn vị, thăm bà con dân bản và chinh phục mốc ngã ba. Càng thời điểm cuối năm lại càng nhiều khách đến vùng đất đặc biệt này! Câu chuyện giữa chúng tôi đang rôm rả thì bị ngắt quãng bởi tiếng xe máy gầm rú leo lên dốc cổng đồn. /uploads/news/2014_01/222222222229.jpgTrong màn ánh sáng nhập nhèm, 5 “con ngựa sắt” dừng trước cửa nhà khách Đồn biên phòng A Pa Chải. 10 người với đồng phục áo khoác màu da cam với lỉnh kỉnh ba lô túi xách. Một vài người trên vai phất phới vạt khăn rằn. “Khách du lịch thành phố Hồ Chí Minh” – Thiếu tá Sơn vừa nói vừa bước ra chào đón.Bữa cơm muộn nhưng ấm cúng, vui vẻ. Biết chúng tôi sáng hôm sau cũng leo mốc ngã ba biên giới, anh em trong đoàn “phượt” ồ lên thích thú, nâng chén “dzô” hào hứng.Sau bữa sáng gọn nhẹ, với hoa tiêu là một chiến sỹ dạn dày kinh nghiệm, chúng tôi rời Đồn biên phòng A Pa Chải, rẽ vào con đường tuần tra đang mở tuyến xóc như rang ngô, bụi mù mịt. Nhờ đoạn đường này, bây giờ lên mốc 0 đã tránh được đoạn đồi cỏ gianh – trận địa thử sức bền đầu tiên. Dừng xe ở lưng chừng núi Khoang Na San, leo qua ta luy dương là bước chân vào rừng già. Phải thừa nhận, đoàn khách du lịch là dân “phượt” thực thụ. Họ leo dốc dẻo dai, hơi thở rất điều hòa. 3 cô gái trong đoàn hình vóc bé nhỏ như chim chích nhưng sức bền tuyệt vời. /uploads/news/2014_01/3333333333333333333.jpg Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm trên cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh : Nhất Nguyên Lê Yến Phương, tuổi mới ngoài 20, là em út của đoàn. Trong câu chuyện phập phù theo nhịp thở, Yến Phương đột ngột hỏi tôi: Anh ăn hủ tiếu Nam Vang bao giờ chưa? Tôi nói mới được thưởng thức trên ti vi và báo chí, cô nàng cười giòn tan, rồi dặn dò: “Khi nào vô Sài Gòn, nhớ ghé qua Nhân Quán ở 67A Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận Nhất nghe. Cửa hàng em đó, sẽ mời anh một tô hủ tiếu đặc biệt”. Làm hàng ăn bận rộn thế mà vẫn ngược Bắc lên tận đây cơ à? Tôi hỏi. Yến Phương cho biết, cô chuẩn bị cho chuyến đi này lâu rồi, phải sắp lịch, chờ bố trí người làm thay mới đi được. Nguyễn Đức Sơn, nhà ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh có vẻ ngoài rất phong trần, khuôn mặt sạm nắng gió rất khó đoán tuổi. Đến khi anh nói đã trải qua 53 mùa xuân tôi mới ngớ người kèm theo sự nể phục cho sự dẻo dai của tay phượt già này. Đây là lần thứ 2 anh Sơn chinh phục mốc số 0. Tôi hỏi đi một lần chưa đã hay sao thì anh Sơn cười vang rừng: “Hổng có đã đâu em! Miền đất này lạ lắm! Đi về nhớ hổng chịu nổi. Cứ có người đi A Pa Chải là anh nhập đoàn luôn. Tụi trẻ ở Sài Gòn chưa đi được nó ghen với anh ghê lắm!” Còn với trưởng đoàn Trần Lân, thành viên Câu lạc bộ du khảo Thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều lần đến ngã ba biên giới này rồi! Lần nào anh cũng làm người dẫn đoàn kiêm phó nháy cho mọi người. Trần Lân chia sẻ: “Mình đã đi rất nhiều nơi, từ mũi Cà Mau cho tới cột cờ Lũng Cú nhưng ở A Pa Chải này khác biệt lắm! Cả phong cảnh lẫn người dân cũng vậy. Đến nơi thì rất quen thuộc nhưng về nhà mở hình ra coi lại thấy rất lạ. Nên có người rủ đi A Pa Chải là hổng cưỡng được!” Trần Lân cho biết, chuyến đi này của đoàn đã qua nửa tháng rồi. Bắt đầu từ Sài Gòn đi Hà Giang, leo cột cờ Lũng Cú, thử thách với đèo Mã Pí Lèng, sang Sa Pa chinh phục đỉnh Phan Xi Păng rồi vừa đi vừa chụp ảnh trên con đèo đẹp nhất Tây Bắc – Hoàng Liên Sơn. Nghỉ một ngày ở Lai Châu cho lại sức để chinh phục điểm hẹn cuối cùng: Ngã ba biên giới A Pa Chải. Điều lạ là trước khi xuất phát, thành viên trong đoàn không hề biết nhau. Chỉ có chung một sở thích du lịch mạo hiểm, khám phá các vùng đất mới mẻ, thông qua diễn đàn Câu lạc bộ du khảo rồi thành lập đoàn và xuất phát. Với sự chuyên nghiệp của các “phượt tử” dày dạn kinh nghiệm, việc đầu tiên khi đến mốc số 0 là cả đoàn bẻ ngọn lau quét dọn sạch sẽ xung quanh, chỉnh trang quần áo đứng chào cột mốc. Sau đó mới giúp nhau chụp ảnh lưu niệm và cuối cùng là liên hoan mừng chuyến đi thành công với cơm nắm, thịt kho được anh em chiến sỹ Đồn A Pa Chải chuẩn bị từ sáng sớm. Lê Yến Phương chia sẻ: “Tụi em toàn dân kinh doanh buôn bán, hổng có để ý nhiều chuyện lịch sử, chính trị nhưng lên đây, ôm cột mốc 3 cạnh này mới hiểu thêm nhiều điều. Thấy… yêu anh biên phòng ngày đêm ở nơi xa xôi này để bảo vệ biên cương Tổ quốc”. Sau khi hạ sơn, chúng tôi kéo nhau lên thăm thú chợ lối mở A Pa Chải, tổng kết cuộc leo mốc và chia tay nhau bằng thịt khô và nước ngọt. Đoàn du lịch mua thêm một số đồ cần thiết cho hành trình đường trường về thành phố Điện Biên Phủ. Thiếu tá Phạm Anh Sơn cho biết: Ngã ba biên giới không chỉ hấp dẫn quân báo chí mà đã trở thành điểm hút khách du lịch đến tham quan, lượng khách năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2013, Đồn đã đón tiếp gần 1.000 lượt khách. Đồn đã xây dựng một dãy phòng nghỉ phục vụ khách du lịch, tuy chưa khang trang nhưng đảm bảo sạch sẽ, tiện nghi để mỗi người đến với ngã ba biên giới xa xôi này đều có ấn tượng đẹp.

Tác giả: Nhất Nguyên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây