Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Phi tin bất phú”

Thứ ba - 15/01/2013 21:52

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Phi tin bất phú”

DIC - Khái niệm mới này vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển hạ tầng thông tin” do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 15/1/2013 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích rằng mọi người thường nói “Phi thương bất phú”, nhưng giờ đây, muốn có "thương" (buôn bán, thương mại) thì phải có "tin" (thông tin), nên phải nói là “Phi tin bất phú”. Với khái niệm này, Phó Thủ tướng lưu ý rằng thời gian qua, ngành CNTT-TT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò của CNTT-TT. Đặc biệt, nhận thức về vai trò của CNTT đối với các cấp, ngành, doanh nghiệp còn hết sức khiêm tốn, thậm chí phải nói là còn yếu. Đến các cơ quan, doanh nghiệp đều nhìn thấy có máy tính, ti vi, hệ thống mạng..., song giá trị gia tăng mà chúng đem lại cho hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm còn ít. Số lượng doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chứng tỏ nhận thức của xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có lẽ còn chưa đầy đủ. “Nếu xác định “Phi tin bất phú” thì chúng ta cần phải có hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là khâu nâng cao nhận thức về CNTT-TT”, Phó Thủ tướng nói. Tập trung vào việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển hạ tầng thông tin (Nghị quyết số 13), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tầm quan trọng của CNTT-TT, phải coi CNTT-TT là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và phải có hành động cụ thể để triển khai động lực đó. Hiện việc đầu tư, hợp tác, chia sẻ hạ tầng CNTT-TT giữa các cấp Bộ, ngành, địa phương còn rất kém, đầu tư trùng lắp còn rất nhiều, làm tăng chi phí đầu tư. Đã có tình trạng cát cứ, mỗi Bộ, ngành làm một kiểu theo một hệ thống có tiêu chuẩn khác nhau, dẫn đến hệ lụy không kết nối được. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT, cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng nhân lực phù hợp quốc tế. Mặt khác, phải đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đưa các doanh nghiệp chủ lực về CNTT ngang tầm với thế giới; đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp CNTT tập trung, khu công viên phần mềm để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, trong đó có các quốc gia hàng đầu về CNTT như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử vững mạnh ở các địa phương. “Việc này chúng ta đã làm nhiều năm nay, hệ thống hạ tầng đã hiện hữu nhưng các ứng dụng hiệu quả còn thấp, gần như toàn làm theo phong trào, đáp ứng xu hướng, mốt nào đấy chứ chưa đánh giá được vậy CNTT giúp chúng ta được bao nhiêu hệ thống quản lý, nâng cao bao nhiêu chất lượng quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm…”, Phó Thủ tướng nhận định. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng các cấp, ngành cần chú trọng huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ Nhà nước, nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng thông tin trong thời gian tới. Đâu đó vẫn còn tư duy dựa vào đầu tư của Nhà nước là chính, việc đó không phù hợp với một cơ sở hạ tầng như CNTT-TT. Bản thân CNTT-TT là một ngành sinh lời, đem lại giá trị gia tăng cho các ngành khác, chính vì vậy, nó hoàn toàn có đủ năng lực để tự huy động nguồn vốn phát triển, miễn là chúng ta có đủ cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ để tạo điều kiện cho CNTT-TT phát triển. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có kế hoạch bố trí nguồn nhân lực, nguồn vốn để phát triển hạ tầng thông tin tại địa phương mình, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh ứng dụng CNTT… Các địa phương tùy theo khả năng, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cần tiếp tục thúc đẩy công nghiệp CNTT phù hợp với các chương trình của Chính phủ. Ở cương vị người đứng đầu của Bộ quản lý chuyên ngành về CNTT-TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định hội nghị hôm nay là sự thể hiện quyết tâm của các cấp, ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 13 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và tìm ra những cơ chế, chính sách, biện pháp có tính bứt phá và có tính khả thi cao để ngay từ đầu năm 2013 tạo đà phát triển mới. “Chúng ta cần phải tháo gỡ đúng và trúng những khó khăn, vướng mắc đang kéo dài nhiều năm qua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết quan trọng này. Việc triển khai thành công Nghị quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu ở các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các đồng chí Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ TT&TT rất hiểu khó khăn hiện nay của các địa phương song cũng rất mong lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và địa phương dành ưu tiên cần thiết cho sự nghiệp phát triển hạ tầng TT&TT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển hạ tầng thông tin. Nếu khai thông nguồn lực mới với cơ chế, chính sách giải pháp phù hợp, chắc chắn hạ tầng TT&TT sẽ trở thành một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Làm được việc này chính là chúng ta đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế, khẳng định vai trò quan trọng của hạ tầng thông tin đối với sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói. Nhiều phần mềm trong nước đã được nước ngoài thuê và sử dụng Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là kể cả sản phẩm trong nước chưa tốt, chưa có tính cạnh tranh bằng sản phẩm ngoại nhập, nhưng vì nghĩ đến tương lai của đất nước, nghĩ đến tiềm năng phát triển của dân tộc thì người tiêu dùng nên sẵn sàng chấp nhận những sản phẩm lúc đầu chưa tốt bằng những sản phẩm thế giới đã phát triển rất nhiều năm. Về phía các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ CNTT cũng phải phấn đấu nỗ lực để thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nếu chúng ta có dịch vụ sau bán hàng tốt thì sẽ thu hút được nhiều người tiêu dùng bởi đây chính là lợi thế so với nhiều sản phẩm ngoại. Cả hai phía người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ, sản phẩm đều phải nỗ lực xích lại gần nhau. Thực tế ngành CNTT, phần mềm thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn tại thị trường nội địa do hạn chế về nhận thức của xã hội và người tiêu dùng, kể cả người đi mua và người sử dụng đều thiên về nhập và sử dụng sản phẩm ngoại, không tạo được môi trường cho công nghiệp CNTT phát triển, trong khi nhiều sản phẩm phần mềm trong nước đã được nước ngoài thuê và sử dụng.

Tác giả: Xuân Bách

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây