DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 01/02/2013 02:52
DIC - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, một trong những giải pháp chính để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong thời gian tới là người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải gương mẫu ứng dụng CNTT.
Tại cuộc gặp gỡ báo giới tối 30/1/2013, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng song vẫn còn nhiều hạn chế và nhiều việc cần phải làm. Cụ thể, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã góp phần nâng cao năng suất, đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính công minh bạch và hiệu quả. 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã có Cổng thông tin điện tử sẵn sàng cung cấp thông tin và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước chủ yếu quy mô nhỏ, chưa phát huy hết hiệu quả của ứng dụng CNTT. Các hệ thống thông tin quy mô quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử vẫn chưa được triển khai. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Các trang thông tin điện tử chủ yếu chỉ cung cấp thông tin, ít trường hợp người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp phép, đăng ký qua mạng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế vừa nêu, chẳng hạn, kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp, mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu vốn của các dự án đã được xây dựng (đến nay chưa có mục - loại chi riêng cho ứng dụng CNTT nên không có nguồn kinh phí ổn định cho ứng dụng CNTT); việc chuyển đổi phương thức làm việc chủ yếu sử dụng văn bản giấy sang văn bản điện tử, giao dịch trên môi trường mạng đòi hỏi phải có thời gian để cán bộ, công chức thay đổi thói quen làm việc,.. Đặc biệt, vẫn còn cán bộ lãnh đạo cơ quan Nhà nước chưa gương mẫu ứng dụng CNTT, chưa chỉ đạo sát sao, quyết liệt ứng dụng CNTT. Chẳng hạn, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (ban hành tháng 5/2012), tại một số tỉnh thành, người đứng đầu chính quyền địa phương đã kiên quyết chỉ đạo thực hiện và gương mẫu thực hiện việc sử dụng văn bản điện tử nên đã giảm dần hẳn văn bản giấy, sử dụng tin nhắn và thư điện tử (email) để mời họp hoặc thông báo lịch sinh hoạt cơ quan. Nhưng bên cạnh những gương điển hình như vậy thì vẫn còn nhiều cơ quan chưa làm tốt được việc này. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết để tạo những bứt phá ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; nói cách khác, người đứng đầu phải quan tâm, nêu gương trong việc ứng dụng CNTT và có sự cam kết trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong năm 2013, Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai ứng dụng CNTT. Trước hết là kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Chỉ thị số 15/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của TTgCP về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong cơ quan Nhà nước; Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước… Về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp, Bộ TT&TT sẽ tuyên truyền để mọi người dân hiểu được vai trò, tiện ích của CNTT cũng như biết rõ mặt trái khi ứng dụng CNTT và môi trường mạng để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ngăn ngừa phòng tránh mắc sai lầm hoặc vi phạm chế tài của Nhà nước. Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: "Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực".