DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 12/01/2015 11:45
Thứ trưởng Lê Nam Thắng
(Mic.gov.vn) - Sáng nay 10/1/2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm đáng chú ý trong quy hoạch kho số viễn thông, một vấn đề nóng đang được dư luận rất quan tâm.
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông. Tại sao cần phải ban hành quy hoạch này và dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy hoạch, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như chúng ta đã biết, năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông, có hiệu lực từ 1/6/2010. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trong đó có quy định rõ kho số là tài nguyên viễn thông quốc gia, và giao Bộ TT&TT xây dựng và ban hành Quy hoạch kho số viễn thông theo hướng bảo đảm quản lý sử dụng hiệu quả nhất, phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu liên lạc của người dân. Đó là sở cứ quan trọng để Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư về Quy hoạch kho số . Trên cơ sở những văn bản pháp luật trên, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông, khảo sát đánh giá tình hình thực tế phát triển của thị trường, của công nghệ để từ đó đưa ra quy hoạch kho số bảo đảm việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo đảm tính bền vững của quy hoạch này trong một thời gian dài, tránh việc thường xuyên thay đổi mã số ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ TT&TT vừa qua đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông. Khi xây dựng quy hoạch này, Bộ TT&TT đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường, công nghệ. Đây là những yếu tố chúng ta cần phải bàn để thực hiện. Nhiều người thắc mắc tại sao phải ban hành quy hoạch này. Thứ nhất, quy hoạch kho số viễn thông, đặc biệt là quy hoạch mã vùng, mã mạng đã tồn tại cách đây hơn 50 năm, từ khi có ngành viễn thông Việt Nam, mã vùng ấy vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Đến năm 2008, chúng ta có điều chỉnh một chút, đó là thêm đầu mã mạng có ba chữ số, còn về cơ bản quy hoạch mã vùng, mã mạng đã tồn tại hơn 50 năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, trong 50 năm đó, môi trường kinh doanh viễn thông, công nghệ viễn thông đã thay đổi nhanh chóng. Như chúng ta đã biết, 15 năm trước, dịch vụ thông tin di động còn rất hạn chế. Số người sử dụng dịch vụ thông tin di động rất thấp, chỉ vài triệu người. Trong khi đó, số người sử dụng dịch vụ cố định hàng chục triệu người. Tuy nhiên trong 15 năm qua, bức tranh đã thay đổi nhanh chóng. Về mặt công nghệ, dịch vụ điện thoại cố định ngày càng giảm, dịch vụ di động ngày càng phát triển. Chính vì vậy, hiện nay với gần 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có khoảng 133 triệu là thuê bao điện thoại di động và 7 triệu thuê bao điện thoại cố định. Bức tranh đã thay đổi hoàn toàn. Trong khi đầu mã để dùng cho quy hoạch mã vùng, mã mạng chỉ có 9 đầu mã (từ đầu 1 đến đầu 9). Trong 9 đầu mã này, có 2 mã (đầu 9 và đầu 1) sử dụng cho di động, 7 mã cho cố định. Điều này dẫn đến sự bất cập: số mã mạng rất ít, trong khi số thuê bao điện thoại di động rất lớn. Số thuê bao điện thoại cố định rất ít nhưng lại được sử dụng số mã mạng rất nhiều. Đấy là bất cập cơ bản. Chính vì vậy, để giải quyết những bất cập này, năm 2008 chúng ta đã phải có giải pháp tình thế. Tức là bắt buộc thêm một mã mạng có độ dài ba chữ số, dẫn đến việc hiện nay có thuê bao 10 số, 11 số. Nếu chúng ta để tình trạng này tiếp tục diễn ra thì càng ngày càng bất cập. Trong 1 vài năm tới, số thuê bao điện thoại cố định thậm chí có thể giảm xuống chỉ còn vài triệu thuê bao, thuê bao di động ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện nay kết nối di động không chỉ người với người mà cả người với máy, máy với máy. Theo dự đoán của các tổ chức thế giới, đến năm 2050, trên thế giới có khoảng 50 tỷ kết nối. Nếu chúng ta không quy hoạch các đầu số di động thì sẽ không đủ để kết nối vì bây giờ tất cả các thiết bị trong nhà, từ bếp điện, máy giặt, chuông báo động… trong xu hướng hình thành công nghệ nhà thông minh, với đầu số di động như chúng ta hiện nay không thể bảo đảm kết nối giữa người với người, chứ chưa nói đến việc kết nối máy với máy trong tương lai. Cho nên, để bảo đảm cho sự phát triển của công nghệ cho một thời gian dài, chúng ta phải quy hoạch tổ chức lại để số lượng mã mạng dùng cho di động tăng lên đáp ứng nhu cầu kết nối giữa người với người, máy với máy, và đầu số dùng cho mã vùng phục vụ cho thuê bao di động giảm đi phù hợp với xu hướng thuê bao dịch vụ cố định ngày càng giảm. Thứ hai, cần thiết thay đổi vì môi trường. Như chúng ta đã biết, 15 năm trước môi trường viễn thông của Việt Nam là độc quyền, chỉ có một doanh nghiệp đó là VNPT. Bây giờ, chúng ta có hàng chục doanh nghiệp hạ tầng mạng, hàng trăm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Số lượng cần sử dụng mã số tăng lên rất nhiều. Trước đây, chúng ta không có khái niệm nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Trong những năm gần đây, trước sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh, dịch vụ nội dung phát triển rất mạnh. Trước đây, chúng ta không có đầu số cho nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Bây giờ chính là lúc chúng ta phải quy hoạch lại cho phù hợp với thị trường trong môi trường hoạt động cạnh tranh có nhiều doanh nghiệp tham gia. Đó là sự cần thiết và sở cứ để ban hành quy hoạch kho số mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và công nghệ và của thị trường. Bộ TT&TT đã tính toán, dự liệu ảnh hưởng của quy hoạch đến người sử dụng hay chưa, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như chúng ta đã biết, trong quy hoạch kho số mới này, cái thay đổi lớn thứ nhất là quy hoạch mã vùng. Mã vùng chỉ phục vụ cho các cuộc gọi cố định, đặc biệt là đường dài. Theo số liệu thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi đường dài, từ di động gọi vào các máy cố định, và từ quốc tế vào máy cố định Việt Nam… Tóm lại, lưu lượng của tất cả các cuộc gọi có đầu mã vùng chỉ chiếm 1,6% tổng số lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi rất hạn chế. Hiện nay, các máy cố định phần lớn là các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, trong một năm số gọi đường dài hạn chế, chủ yếu gọi di động, thư điện tử, các dịch vụ OTT… nên lưu lượng và doanh thu điện thoại cố định để dùng mã vùng rất ít. Do đó, khi thay đổi thì tất nhiên có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức. Thay đổi thứ 2 có thể tác động xã hội là sau khi bố trí sắp xếp mã vùng, mã vùng thừa ra sẽ được dùng cho mã mạng di động, chúng ta có cơ hội để chuyển tất cả các thuê bao đầu 11 số thành 10 số. Khi thay đổi đầu 11 số xuống đầu 10 số thì chỉ ảnh hưởng đến thuê bao 11 số. Trong thay đổi thuê bao 11 số thì 7 số cuối vẫn giữ nguyên. Ví dụ đang dùng số 11 số với đầu mã 0126, sau đó có 7 số thuê bao thì chỉ thay đổi 3 số đầu thành 126. Khi thay đổi mã này, Bộ sẽ chuyển mã mạng di động từ 3 số thành 2 số. Sẽ sử dụng những đầu đã được giải phóng, như 05,06,07,08. Thay đổi này theo chiều hướng tích cực, được sự ủng hộ của đa số người sử dụng. Vì tất cả người sử dụng 11 số đều muốn được dùng 10 số, ngắn hơn, dễ nhớ hơn. Quy hoạch được ban hành vào thời điểm đúng dịp Tết, nhiều doanh nghiệp có ý kiến là đã quen số rồi, giờ phải thay đổi toàn bộ số điện thoại trên mẫu mã, bao bì… thì gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Thời điểm 1/3/2015 là thời điểm có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả các nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực từ 1/3. Để triển khai quy hoạch này, trong Thông tư đã nói rõ, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch, có thể trong nhiều năm. Quy hoạch để người dân biết định hướng của Nhà nước. Sau đó Nhà nước mới xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch. Cho nên, việc thay đổi mã vùng dự kiến sẽ làm trong nhiều giai đoạn, theo từng khu vực, có thể hàng năm sau mới xong phần đổi mã vùng. Sau đó mới xây dựng tiếp kế hoạch chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số. Như vậy, việc thực hiện quy hoạch được thực hiện trong thời gian rất dài. Nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lộ trình cụ thể để dần thay đổi. Không phải từ 1/3 tất cả phải thay đổi. Sẽ có lộ trình từng bước, đổi mã vùng khu vực nào trước, khu vực nào sau, thời gian bao lâu để đảm bảo tác động ít nhất. Sẽ có lộ trình phù hợp để bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị. Khi có kế hoạch cụ thể, Bộ cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp viễn thông để có biện pháp, giải pháp cụ thể làm sao ảnh hưởng ít nhất. Doanh nghiệp sẽ thông báo đến đối tượng bị ảnh hưởng trước 60 ngày sau khi có kế hoạch thực hiện quy hoạch được ban hành. Trong thời gian thực hiện thay đổi, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải làm gì. Các hệ thống kỹ thuật sẽ lập trình song song cả số mới và số cũ. Trong vài tháng, gọi số nào cũng đi bình thường,. Sau 1 thời gian tuyên truyền tốt, người dân gọi vào số cũ thì sẽ có thông báo cần phải quay số mới. Việc thông báo tự động được thực hiện trong thời gian dài. Sau đó mới chuyển đổi hoàn toàn. Việc triển khai quy hoạch có lộ trình với nhiều giải pháp, biện pháp đi kèm để đảm bảo tác động đối với tổ chức, cá nhân là ít nhất. Bộ TT&TT sẽ có thông báo đến tất cả các cơ quan quản lý viễn thông của các nước, Liên minh viễn thông quốc tế. Nội dung nào của quy hoạch sẽ được thực hiện đầu tiên và đã có kế hoạch cụ thể cho nội dung quy hoạch đầu tiên chưa, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như tôi đã nói ở trên, Bộ TT&TT đang xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch trong thời gian dài. Có những nội dung chẳng ảnh hưởng đến ai thì có thể thực hiện ngay. Ví dụ như quy hoạch cung cấp thêm đầu mã cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Giờ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung có thể nhận ngay đầu mã. Còn những vấn đề có ảnh hưởng, tác động xã hội thì cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn. Trong năm 2015, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung cho việc quy hoạch mã vùng. Không phải thay một lúc ngay hàng chục mã vùng mà thực hiện theo từng giai đoạn, vùng trước, vùng sau có kế hoạch cụ thể. Có một lợi ích rất lâu dài của việc quy hoạch mã vùng, đó là để phù hợp công nghệ. Thực bỏ mã vùng hoặc giảm số mã vùng xuống cũng được, nhưng khi đó thì giá cước cuộc gọi sẽ cao, người nghèo trong vùng không thể gọi được giá cao như vậy. Việc chia nhỏ thành vùng là để bảo đảm cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể gọi nội hạt trong vùng với giá thấp nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ (chẳng hạn, môi trường Internet thì cả thế giới là một vùng, hoặc với điện thoại di động thì cả nước là một vùng) và với hiện trạng giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm, thì cần quy hoạch để giảm số vùng. Hiện có 63 vùng điện thoại cố định. Nhưng với quy hoạch mới thì sẽ sắp xếp lại số vùng theo địa bàn hành chính, ví dụ các tỉnh Tây Bắc đều bắt đầu bằng mã vùng 20, 21… Trong tương lai gần sẽ chỉ còn 10 vùng. Lâu dài hơn nữa thì cả Việt Nam sẽ chỉ còn 1 vùng. Xin Thứ trưởng cho biết, thời điểm nào có thể quy hoạch đến từng vùng? Khi công nghệ cho phép. Các doanh nghiệp trong nước gọi 065 nhưng chất lượng dịch vụ điện thoại Internet không tốt, không đáp ứng chất lượng dịch vụ. Nếu giờ cho ngay vào vùng lớn thì giá cước đẩy lên, thì thu nhập của người dân ở Tây Bắc, Đông Bắc chưa đáp ứng yêu cầu. Xu hướng sẽ giảm số vùng xuống. Thế giới phẳng – gọi đi đâu trên thế giới cũng như nhau, giống như gọi Internet. So với sự thay đổi năm 2008 thì năm 2015 có điểm gì mới, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Năm 2008, các mã vùng có độ dài 1, 2 và 3 số. Năm nay khi quy hoạch lại toàn bộ mã vùng thì tất cả sẽ thống nhất còn lại 3 chữ số và phân theo vùng chạy từ Bắc vào Nam Thưa Thứ trưởng, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT hay Viettel đã có kế hoạch cụ thể nào để trình Bộ? Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Khi xây dựng quy hoạch này, Bộ TT&TT đã bàn kỹ với doanh nghiệp và các doanh nghiệp đều nhất trí cao, và hoàn toàn có khả năng thực hiện khi có kế hoạch cụ thể. Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!