DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 03/12/2013 19:41
Dịch vụ chăm sóc khách hàng sử dụng thuê bao di động trả trước tại Viễn thông TP Điện Biên Phủ.Ảnh : Bảo Ngọc
Với số lượng thuê bao di động phát triển nhanh hiện nay, nhất là với thuê bao trả trước chứng tỏ ưu thế chiếm lĩnh thị trường của mỗi nhà mạng; tuy nhiên, lại khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trước tình trạng tin nhắn rác tràn lan, vừa khó quản lý thông tin người sử dụng lại gây lãng phí đầu số nếu thuê bao không sử dụng thường xuyên, lâu dài…
Tuy nhiên, những khó khăn nêu trên đã được giảm bớt phần nào từ khi Thông tư 04/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2012. So với các quy định cũ về quản lý thuê bao di động được áp dụng trước đó, trong Thông tư 22/TT-BTTTT thì Thông tư 04 có nhiều điều thay đổi về hoạt động đăng ký lưu giữ, trách nhiệm thực hiện đăng ký và quản lý thông tin, hạn chế tối đa tình trạng khách hàng không đăng ký hay thông tin đăng ký sai. Nhờ đó, góp phần thắt chặt công tác quản lý, nâng cao hơn trách nhiệm của chính nhà mạng và gắn lợi ích của nhà mạng và khách hàng. Điểm mới nhất của Thông tư là khách hàng đến đăng ký thuê bao di động trả trước (TBDĐTT) phải xuất trình chứng minh nhân dân.Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát triển thêm 9.223 thuê bao di động trả trước, nâng tổng số thuê bao DĐTT lên 324.151 số. Với số lượng TBDĐTT phát triển nhanh như vậy, đòi hỏi các nhà mạng ngoài lợi ích kinh tế do doanh thu mang lại phải có hình thức quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, quy định nghiêm cấm việc sử dụng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao hoặc không được kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin. Hạn chế việc do mua bán sim dễ dàng nên xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng hết số tiền ban đầu trong tài khoản hay tiền khuyến mãi rồi vứt đi mua sim mới. Trong danh sách các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ trên địa bàn, VNPT là một trong những nhà mạng chiếm thị phần tương đối. Chính vì vậy, khi Thông tư 04 được ban hành và chính thức có hiệu lực rất được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng triển khai, thực hiện tốt. Vì quy định trong quản lý TBDĐTT không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp quản lý, phát triển các đầu số thuê bao thực, nâng cao hiệu quả sử dụng lâu dài.Để tăng cường công tác giám sát quản lý TBDĐTT, vừa qua Phòng Văn hoá và thông tin TP. Điện Biên Phủ tổ chức kiểm tra đối với 3 Chi nhánh Viễn thông Viettel, Vinaphone, Mobifone và 57 đại lý đăng ký thông tin TBDĐTT trên địa bàn. Nhìn chung sau khi Thông tư 04 được triển khai rộng rãi, các nhà mạng đều nghiêm túc thực hiện. Các điểm đăng ký TBDĐTT đều được doanh nghiệp ký hợp đồng uỷ quyền; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao. Việc niêm yết giá bán sim cũng được thực hiện tốt, không có tình trạng bán phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nhiều đại lý còn chú trọng công tác đầu tư hệ thống máy tính, máy photo và các trang thiết bị khác phục vụ khách hàng đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Số thuê bao sau khi đăng ký thông tin thành công đều được cập nhật kịp thời và chuyển cho các doanh nghiệp. Đối với những đại lý hoạt động không hiệu quả, không tuân thủ cam kết như hợp đồng đã ký với nhà mạng, chi nhánh đều chủ động rà soát và chấm dứt hợp đồng.Song, qua công tác kiểm tra cũng phát hiện tồn tại ở một số chi nhánh, đại lý, dễ tạo kẽ hở lách luật. Có điểm kinh doanh không còn hoạt động, không có khách hàng đăng ký thông tin thuê bao, hợp đồng đã hết hạn chưa ký kết lại; công tác giám sát, kiểm tra đối với các đại lý cũng chưa được chi nhánh thực hiện thường xuyên, kịp thời, dẫn tới việc không nắm được tình hình hoạt động của điểm giao dịch. Nhất là việc tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng nên có chủ điểm không nắm rõ các nội dung đã quy định tại Thông tư 04. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận giấy tờ, lưu giữ thông tin thuê bao chưa đảm bảo theo quy định, có phiếu đăng ký thông tin nhưng ghi không đầy đủ. Đặc biệt, có đại lý không cung cấp được tổng số thuê bao đã đăng ký thông tin, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quản lý các TBDĐTT. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp viễn thông thì thực tế việc siết chặt quản lý với các đầu số TBDĐTT theo Thông tư 04 cũng phần nào gây khó khăn cho các nhà mạng trong việc phát triển số lượng thuê bao. Kết quả thanh, kiểm tra tại Chi nhánh Viễn thông Viettel, VNPT, Mobifone và các đại lý uỷ quyền trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đánh giá phần nào thực tế công tác quản lý TBDĐTT. Từ đó giúp các tổ chức, cá nhân chấn chỉnh sai phạm, nâng cao hiệu lực quản lý, đảm bảo hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật.