DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 13/01/2013 21:51
Nhà mạng vẫn bó tay với việc dùng số điện thoại rác để phát tán tin nhắn rác. Ảnh: P.V/Vietnam +
DIC - Để quản chặt tin nhắn rác, Bộ TT&TT đã yêu cầu triển khai một loạt các giải pháp từ hành chính đến kỹ thuật. Phía doanh nghiệp cho biết cũng đã chấp hành đầy đủ, song riêng với đầu số lẻ (dùng số điện thoại cá nhân-PV) để phát tán tin nhắn rác thì vẫn "bó tay"!
Cắt hợp đồng nếu CSP phát tán tin nhắn rác Trong thông báo số 03/TB-BTTTT ngày 9/1, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải giám sát, thậm chí là chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh với đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CSP) phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Theo đó, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý như Cục Viễn thông, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam, Thanh tra Bộ TT&TT... tiến hành các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, Bộ TT&TT đặc biệt chú trọng tới vai trò của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Cụ thể, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các CSP, xử lý theo hợp đồng hoặc theo quy định nội bộ của doanh nghiệp. Thậm chí, cần chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn wappush... Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn nhằm phát hiện tin nhắn rác. Nhà mạng cũng cần chủ động phối hợp với CSP không tính cước và hoàn trả lại cho người sử dụng đối với các tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, do nhầm lẫn, tin nhắn do người sử dụng bị lừa đảo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ, không để cán bộ, nhân viên lợi dụng sơ hở để sao chép cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động bán ra ngoài nhằm phục vụ cho mục đích phát tán tin nhắn rác hoặc các mục đích vi phạm pháp luật khác. Chấp nhận giảm doanh thu Trao đổi với phóng viên Vietnam+, VinaPhone và Viettel cho biết, các đơn vị này đã tăng cường cảnh báo khách hàng về nạn tin nhắn lừa đảo qua SMS. Phía VinaPhone cho hay đơn vị này đã có các quy định nghiêm ngặt về phát hiện và xử lý tin nhắn rác. Trong năm 2012, VinaPhone đã xử lý trên 40 trường hợp vi phạm, khóa và phạt hợp đồng với hàng chục CPS. Hiện, các cán bộ kỹ thuật của VinaPhone hiện đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn hình thức nhắn tin rác ở cấp độ cao hơn, cho phép xử lý và khóa thuê bao, khóa hướng nhắn tin một cách tự động. VinaPhone đang cố gắng để đưa các biện pháp kỹ thuật mới áp dụng vào đầu năm 2013. Phía Viettel cũng cho hay, đơn vị này đã xây dựng hệ thống chống spam theo tốc độ nhắn tin và kiểm soát được khoảng 60% dung lượng tin nhắn. Bên cạnh đó, Viettel sẽ tiến hành khóa, xử phạt các CSP phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn, riêng các tin nhắn lừa đảo sẽ bị cắt ngay đầu số. Trong năm 2012, Viettel đã khóa trên 60 đầu số và 3000 thuê bao di động. Cùng lúc, Viettel cũng như xây dựng hệ thống thu thập, xử lý, tiếp nhận tin nhắn rác. Thậm chí, đơn vị này còn chấp nhận giảm doanh thu từ các dịch vụ gia tăng, nội dung từ SMS để quyết liệt loại trừ tin nhắn rác. Thực tế cũng cho thấy, khi các nhà mạng gửi tin nhắn quảng cáo thường "đính kèm" một câu như kiểu: Từ chối, soạn TC gửi... Và rất nhiều khách hàng không soạn tin từ chối bởi sợ sẽ không nhận được những tin nhắn khuyến mãi "hấp dẫn" khác từ nhà mạng. Bên cạnh đó, đối với các nội dung tin nhắn rác không liên quan đến các đầu số tắt của các đối tác cung cấp nội dung thì các mạng di động hiện nay chưa có chế tài để xử lý triệt để. Đó là các tin nhắn quảng cáo cho các nhà hàng, các chương trình khuyến mãi tại các siêu thị, quảng cáo cho các game online.... Phía VinaPhone cho biết, theo quy định, nhà mạng sẽ thông báo cảnh cáo và khóa các thuê bao gửi tin song biện pháp này chưa có tính răn đe. Nguyên nhân cũng bởi các thuê bao sử dụng để nhắn tin thường có thông tin chủ thuê bao không chính xác và nhắn tin xong thường không sử dụng lại. Về sim rác, Bộ TT&TT cũng ra hàng loạt những văn bản nhằm quản chặt. Mới đây nhất, Bộ này đã ban hành Thông tư quy định giá cước dịch vụ di động mặt đất có hiệu lực từ 1/1/2013, trong đó có nội dung nghiêm cấm nhà mạng không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả các sim thuê bao đang lưu hành trên thị trường hoặc chưa hòa mạng. Dư luận đang kỳ vọng, với những biện pháp đồng loạt, vấn nạn tin nhắn rác sẽ sớm được giải quyết.