Giải pháp quản lý an toàn mạng lưới Bưu chính
Hồng Hà
2013-03-21T21:00:46-04:00
2013-03-21T21:00:46-04:00
http://dic.gov.vn/vi/news/buu-chinh-vien-thong/Giai-phap-quan-ly-an-toan-mang-luoi-Buu-chinh-1309.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 28/02/2013 03:08
DIC - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất của công tác cách mệnh”. Bưu chính là lĩnh vực có vai trò to lớn đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mặt khác bưu chính còn gắn liền với hoạt động lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Trong tình hình hiện nay, một số đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để thực hiện các hành vi phạm tội, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Do đó việc đảm bảo an toàn mạng lưới Bưu chính phải được quan tâm và có giải pháp cụ thể để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Để đảm bảo an ninh trên lĩnh vực này, những năm vừa qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Chỉ thị số 06/2004/CT- BBCVT ngày 07/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông (BCVT) về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin bưu chính, viễn thông và Internet trong tình hình mới; Quyết định số 182/2006/QĐ-TTg ngày 09/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 40/2006/QĐ-BBCVT, ngày 11/9/2006 của Bộ trưởng Bộ BCVT; Thông tư Liên tịch số 06/2008/TTLT-BTTTT-BCA của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an; Luật Bưu chính ngày 16/6/2010; Quyết định số 06/2010/QĐ- UBND ngày 20/7/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về ban hành Quy chế phối hợp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh… Những văn bản quy phạm pháp luật trên có giá trị thực tiễn rất cao trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, góp phần tích cực trong việc tạo hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế hiện nay, hệ thống văn bản quản lý và công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các vấn đề liên quan đến quản lý an toàn mạng lưới bưu chính hiện còn rất nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp hoạt động bưu chính trên địa bàn tỉnh không thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc không có giấy phép hoạt động (do doanh nghiệp không có địa điểm kinh doanh độc lập); nhân viên hoạt động không có giờ giấc ổn định, phần lớn là đi trên đường nên việc thu thập chứng cứ vi phạm và tiến hành thanh tra xử lý vi phạm mất nhiều thời gian và đôi khi không mang lại kết quả. Việc tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế, dường như đứng ngoài cuộc trong việc phối hợp với công an để đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động bưu chính. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đảm bảo an toàn an ninh mạng lưới hoặc chỉ coi đó là một chỉ tiêu để đánh giá xem có đủ điều kiện hoạt động hay không... Nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trong thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành Thông tin và Truyền thông nói chung và văn bản về hoạt động bưu chính nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, công trình công cộng trong hoạt động bưu chính, viễn thông, không để lộ, lọt thông tin bí mật của Đảng và Nhà nước. Phối hợp trong việc cấp phép, quy định điều kiện kinh doanh để đảm bảo an ninh thông tin đối với các hoạt động bưu chính. Thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng mạng lưới bưu chính để mọi tổ chức, cá nhân có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó kịp thời khi có hành vi xâm phạm đến hoạt động của mạng lưới, đảm bảo an ninh thông tin. Nâng cao tinh thần cảnh giác nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính, chuyển phát để vận chuyển hàng trốn thuế, hàng quốc cấm. Phát tán ấn phẩm có nội dung trái pháp luật có nội dung kích động, lôi kéo các phần tử xấu và chống đối chính quyền địa phương. Xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn mạng lưới bưu chính như thiết bị cảnh báo an ninh, hệ thống phòng chống cháy nổ; thành lập đội tuần tra bảo vệ và các phương tiện hỗ trợ nghiệp vụ khác nhằm ngăn chặn các hoạt động tấn công, phá hoại mạng lưới bưu chính. Xây dựng các nội quy trong doanh nghiệp, quy chế thực hiện để đảm bảo an toàn. Quy định trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng và áp dụng những quy định bắt buộc nhằm thực hiện tốt các nội quy, quy chế đó; xây dựng phương án dự phòng thay thế; phương án bảo vệ tài sản hàng hóa của doanh nghiệp, kịp thời khắc phục sự cố xảy ra nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động liên tục và an toàn. Sử dụng các trang thiết bị làm việc đảm bảo an toàn cho người cung ứng và sử dụng dịch vụ trong quá trình hoạt động. Thường xuyên thực hiện chế độ bảo trì, bảo dưỡng; nâng cấp cải tiến công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc. Như vậy, muốn đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động Bưu chính cần phải thực hiện tốt các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp bưu chính, nhằm tự bảo vệ mình trước khi có sự can thiệp của cơ quan Nhà nước./.