Để điểm Bưu điện - Văn hóa xã phát huy hiệu quả

Chủ nhật - 18/08/2013 21:47

Điểm BĐVHX Pom Lót không có người đọc.

Điểm BĐVHX Pom Lót không có người đọc.
Cách đây 15 năm (1998) Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) đã triển khai xây dựng hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐVHX) trên phạm vi cả nước. Qua một thời gian dài người dân nông thôn cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng được hưởng các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, đến nay, nhiều điểm BĐVHX trong toàn tỉnh đã xuống cấp, cần được tu sửa.
Người dân được hưởng lợi Đến năm 2008, toàn tỉnh có 74 điểm BĐVHX được xây dựng kiên cố. Chương trình phát triển điểm BĐVHX đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% số xã có máy điện thoại vào năm 2005, đồng thời hình thành kênh cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông công ích phục vụ vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm BĐVHX còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí, bổ sung kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, y tế... Anh Bùi Ngọc La, điểm BĐVHX Thanh An (huyện Điện Biên) là người đã gắn bó với công việc của nhân viên BĐVHX từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, tâm sự: Khi mới đưa vào hoạt động, BĐVHX thực sự là địa chỉ để nhân dân tìm hiểu thông tin, tiếp cận các dịch vụ của bưu điện. Hàng ngày có hàng chục lượt người đến đọc sách, báo, tạp chí. Dịch vụ internet hoạt động liên tục 8 tiếng/ngày. Doanh thu trung bình mỗi tháng từ các dịch vụ gần 100.000đồng, (năm 1999) tăng lên 2.500.000 đồng năm 2008. Chị Nguyễn Thị Mận, điểm BĐVHX Pom Lót, đã gắn bó và coi điểm BĐVHX là ngôi nhà thứ hai của mình tâm sự: Trước đây, khi xã chưa chia tách thành 2 xã Pom Lót, Sam Mứn, chị có trách nhiệm cùng với bưu tá xã chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện đến 44 thôn, đội. Công việc tuy vất vả song thấy bà con trong xã phấn khởi khi nhận được bưu phẩm của người thân, bao mệt nhọc như tan biến. Ông Hà Văn Vỹ, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho rằng: Phát triển điểm BĐVHX đã hình thành mạng lưới phục vụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông đến với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa; vùng đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Và những khó khăn Hiện nay, toàn tỉnh có 92 điểm BĐVHX, song trong số đó chỉ có 74 điểm được xây dựng kiên cố, còn lại 18 điểm hiện phải thuê nhà của người dân. Từ năm 2008, khi thực hiện chia tách thành 2 ngành là Bưu điện và Viễn thông,các điểm BĐVHX thuộc Bưu điện quản lý và khai thác. Do nguồn thu từ bưu chính hạn hẹp, nên không có kinh phí tu sửa thường xuyên nên hầu hết cơ sở vật chất ở các điểm BĐVHX đã xuống cấp. Nhiều điểm BĐVHX hỏng cổng, cửa, hệ thống biển quảng cáo mục nát; nhiều điểm bị ngập úng nặng. Mặc dù bưu điện tỉnh thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy tính khai thác dịch vụ internet, tuy nhiên do phần lớn máy tính đã cũ kỹ, lỗi thời nên lượng người dân truy cập ít. Dịch vụ điện thoại bàn hầu như không mấy người dân sử dụng, bởi hiện nay bùng nổ mạng di động với dịch vụ phong phú. Các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch hư hỏng, không sử dụng được. Phụ cấp đối với nhân viên trông coi điểm BĐVHX hiện nay thấp, tổng thu nhập 1,1 triệu đồng/tháng. Đối với các điểm BĐVHX vùng sâu, vùng xa đi lại hết sức khó khăn vào mùa mưa, chi phí xăng xe lớn; nên rất khó để nhân viên gắn bó lâu dài với công việc này. Hiện chi phí sửa chữa cho 1 điểm BĐVHX tương đối lớn. Theo ông Vỹ, chi phí cho 1 vài hạng mục của điểm BĐVHX Na Ư (huyện Điện Biên) đã lên đến 40 triệu đồng. Và để tu sửa cho 74 điểm BĐVHX trong toàn tỉnh thì cần rất nhiều tiền. Anh La cũng cho biết thêm: Hiện nay, các dịch vụ: đặt báo, tạp chí tại điểm BĐVHX chỉ chủ yếu phục vụ công tác của UBND xã; hay như dịch vụ thẻ card, sim điện thoại doanh số bán ra cũng không cao. Một phần cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều, nên người dân cũng vào đọc báo ngày một thưa thớt. Theo Thông tư 17/2013/TT - BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hoạt động của điểm BĐVHX, thì đólà điểm được ưu tiên lựa chọn để cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong chương trình viễn thông công ích; được lựa chọn để triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và các chươngtrình dự án khác của Nhà nước về nông thôn. Theo đó, điểm BĐVHX sẽ được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất như: tu sửa nhà cửa, nâng cấp hệ thống internet... Đáp ứng việc đọc sách báo, tra cứu tài liệu thông qua mạnginternet. Nguồn sách báo sẽ được cung cấp thông qua các chương trình phối hợp liên ngành. Theo thông tư, nhân viên làm việc tại điểm BĐVHX được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ và các chế độ thù lao khác. Mong rằng các cấp ngành liên quan sớm triển khai theo tinh thần Thông tư 17/TT để các điểm BĐVHX thực sự là nơi người dân được hưởng những dịch vụ bưu chính viễn thông; nơi giữ gìn và phát huy văn hóa đọc; góp phần nâng cao dân trí cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Bài, ảnh: Thành Đạt

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây