DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/02/2015 19:32
Lưu học sinh Lào đang học tập nghiên cứu tại Trung tâm GDTX tỉnh sau giờ lên lớp.
ĐBP - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Tình cảm thiêng liêng, bền chặt đó luôn khắc ghi sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nhất là với những cựu chiến binh Điện Biên từng có thời gian tham gia quân tình nguyện chiến đấu tại Lào.
Với Đại tá Hoàng Trọng Sén, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, ký ức về những ngày sống và chiến đấu bên nước bạn Lào cách đây gần 50 năm dường như vẫn vẹn nguyên. Những tấm ảnh chụp trong chuyến sang thăm Lào sau này được ông nâng niu, gìn giữ như món quà quý giá. /uploads/news/2015_02/tsxuan26.jpg Lưu học sinh Lào đang học tập nghiên cứu tại Trung tâm GDTX tỉnh sau giờ lên lớp. Năm 1967 chiến sỹ Hoàng Trọng Sén cùng với anh em đồng đội hành quân sang Lào thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả: giúp nước bạn tiêu diệt thổ phỉ và quân ngụy Lào. Từ Sơn La, ông cùng đội công tác hành quân đến Mường Lói và sang Nậm Bạc mất chừng nửa tháng trời. Trong suốt 6 năm chiến đấu bên nước bạn (từ 1967 – 1972) đơn vị của ông trải qua không biết bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ dọc khu vực núi Tông Sơ (tỉnh Phoong Sa Ly) sang đến Sầm Nưa (Xiêng Khoảng) rồi đến Luông Pra Băng. Trong những tháng chiến đấu ác liệt, đầy cam khổ đó, quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của đồng bào dân tộc, nhân dân các bộ tộc Lào. Đặc biệt, những ngày đầu mới sang gây dựng cơ sở vô cùng khó khăn, khi mới làm quen với tập tục, tiếng nói của đồng bào dân tộc, ngôn ngữ bất đồng, địa bàn không thông thuộc. Để "che mắt" quân địch, bộ đội Việt Nam phải cải trang mặc quần áo trang phục dân tộc Lào, lúc rảnh rỗi các anh lại đi làm nương với bà con, khi phát hiện có địch vào buôn bà con lại báo tin kịp thời chỉ dẫn đường giúp các anh trú ẩn an toàn. Dù lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn, song mỗi mùa vụ bà con chỉ đem ít thóc về ăn còn phần lớn mang cất giấu trong rừng cho bộ đội. Quý bộ đội Việt Nam, không ít gia đình đã nhận các anh làm con nuôi. Chỉ tấm ảnh chụp chung với một số phụ nữ đứng tuổi mặc trang phục truyền thống của dân tộc Lào trong chuyến thăm Luông Pra Băng cuối năm 2011, Đại tá Hoàng Trọng Sén giới thiệu, "Đây là chị Sao Lả, còn đây là chị Si Khăm Phon...". Trong trận đánh quân ngụy Lào ở Luông Pra Băng ngày 20/6/1967, sau khi giành thắng lợi, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào đã rút hết, song ông Hoàng Trọng Sén cùng 3 chiến sỹ khác lại bị lạc đường. Loanh quanh mất một ngày trời vẫn chưa tìm được đường ra. Cơ sở bí mật đã giao cho 12 cô gái người địa phương chia thành 4 tổ có nhiệm vụ vào tìm, đưa các chiến sỹ ra ngoài an toàn. Và chính chị Sao Lả, Si Khăm Phon là người đã phát hiện và đưa các anh thoát ra ngoài vượt qua nhiều chốt chặn kiểm duyệt của địch. Những năm sau giải phóng, ông Sén có dịp cùng với đoàn công tác của Bộ Quốc phòng sang thăm nước bạn Lào vài lần. Song mãi đến năm 2011, đoàn cựu chiến binh tỉnh Điện Biên do Đại tá Hoàng Trọng Sén dẫn đầu cùng các chiến sỹ quân tình nguyện đã từng sang chiến đấu giúp nước bạn Lào hiện còn đang sinh sống tại tỉnh Điện Biên mới có điều kiện sang thăm lại những nơi đơn vị đã từng chiến đấu trước kia. Riêng với Đại tá Hoàng Trọng Sén thì niềm vui lớn nhất trong chuyến đi này là ông được gặp lại những thiếu nữ Lào đã giúp mình bị lạc đường trong trận đánh ở Luông Pra Băng năm đó. Gặp nhau ai cũng mừng mừng, tủi tủi, những cái bắt tay thật chặt, bịn rịn. 44 năm trôi qua, ký ức một thời sống và chiến đấu gian khổ, ác liệt ùa về qua những câu chuyện, những kỷ niệm chả thể nào quên đối với mỗi cựu quân tình nguyện Việt Nam và những đồng bào Lào từng sát cánh bên các anh ngày ấy. Hiện nay, Điện Biên có 370 cựu quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào còn sống. Góp phần tăng cường thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác bền chặt dài lâu giữa quân đội hai bên và tạo điều kiện, cơ hội cho các chiến sỹ quân tình nguyện gặp mặt, giao lưu, Hội hữu nghị Việt – Lào tỉnh Điện Biên đã được thành lập. Những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương giữa nhân dân tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào, thiết lập mối quan hệ mật thiết với hội Việt kiều đang sinh sống tại Lào và làm “cầu nối” cho nhiều địa phương trong tỉnh kết nghĩa với các địa phương bên bạn. Đặc biệt, tiếp thu truyền thống bền lâu giữa hai bên, nhiều năm nay tỉnh Điện Biên đã và đang giúp nước bạn bồi dưỡng thế hệ trẻ tại các cơ sở giáo dục – đào tạo trong tỉnh. Từ năm 2003 đến nay, Điện Biên đã tiếp nhận và đào tạo hàng trăm lưu học sinh Lào sang học tập, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề được chính quyền các tỉnh nước bạn và thế hệ các lưu học sinh Lào đánh giá cao. Góp phần ngày càng củng cố, mở rộng mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.