DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/02/2015 19:16
ĐBP - Đường lên biên giới mùa nào cũng đẹp, nhưng có lẽ đẹp nhất là mùa xuân với những vạt cúc quỳ khoe sắc vàng nền nã trong nắng gió biên thùy. Những ngày này cái rét khắc nghiệt đang thử thách cuộc sống nhân dân vùng cao, đặc biệt ở khu vực biên phòng - biên giới. Tuy nhiên, kể cũng thú vị nếu có dịp lên đây để ngủ những đêm nơi các bản làng không có tiếng ô tô, không có quảng cáo dán ở các cột điện; để nghe gió ầm ào suốt đêm sương ngày nắng; để nhận thấy nỗi vất vả của những người lính áo xanh...
/uploads/news/2015_02/tsxuan23_2.jpg Ảnh: Phương Liên Tôi đã hỏi nhiều sỹ quan biên phòng mà không rõ ai là tác giả của câu khẩu hiệu như một cách ngôn: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Chỉ biết để hiện thực hoá chủ trương ấy, nhiều năm qua lực lượng biên phòng đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” với bà con các dân tộc trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để làm được điều này trên một địa bàn còn hạn chế về nhiều mặt, đòi hỏi người cán bộ tăng cường cơ sở phải có năng lực nhất định và nhất là phải thật tâm huyết và sẵn sàng chia sẻ với dân. Như mọi người đều biết: Khu vực biên phòng của Điện Biên có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc với chiều dài 400,861km (trong đó đường biên giới với Lào dài 360km, với Trung Quốc dài 40,861km). Chạy dọc phần lãnh thổ xa xôi và khó khăn này là 4 huyện biên giới: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Điện Biên với 29 xã, 325 bản, 15 dân tộc phần lớn là đồng bào thiểu số kinh tế - xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Địa bàn biên giới tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta. Không chỉ đặc trưng, riêng biệt về phong tục văn hóa, mà mỗi địa phương, mỗi dân tộc còn có những nét khác nhau về tập quán lao động sản xuất. Từ thực tiễn khách quan đó, như một nhu cầu tự nhiên đòi hỏi người lính biên phòng phải am tường những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, để có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo các tình huống nảy sinh trong công việc cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Trao đổi với chúng tôi, đại tá Phạm Đồng Tuyên - Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - cho biết: “Có thể nói năm 2014 là một năm thành công trên nhiều mặt công tác của lực lượng biên phòng tỉnh. Là lực lượng chuyên trách được Đảng và nhân dân giao trọng trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, do vậy, vấn đề giữ yên biên giới được xem là nhiệm vụ chính trị căn bản, xuyên suốt của Bộ đội Biên phòng tỉnh...”. Theo đó, năm qua trên tuyến biên giới Việt - Trung, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, lực lượng chức năng hai bên phối hợp duy trì thực hiện tốt 3 văn kiện về biên giới đã ký giữa hai Nhà nước, gặp gỡ định kỳ và đột xuất để thông báo tình hình, phối hợp giải quyết các vụ việc trên biên giới. Công tác phối hợp với lực lượng Công an và Biên phòng Trung Quốc đấu tranh phòng chống tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Tuyến biên giới Việt - Lào, phần ngoại biên an ninh chính trị vẫn cơ bản ổn định... Tuy nhiên hoạt động của tội phạm ma tuý diễn biễn rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, hiện vẫn tồn tại nhiều tụ điểm mua bán ma tuý giữa các đối tượng người Lào và Việt Nam ở các khu vực ngoại biên giáp biên giới Lào - Việt. /uploads/news/2015_02/tsxuan22.jpg Nơi biên cương Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Hiền Cũng theo thông tin từ đại tá Phạm Đồng Tuyên, được biết năm qua trên địa bàn vùng cao nhìn chung hoạt động tuyên truyền “Vương quốc Mông” tạm thời lắng xuống, tuy nhiên các đối tượng bên ngoài và bên trong vẫn liên lạc móc nối tuyên truyền lôi kéo dân di cư sang Lào và Trung Quốc để tập hợp lực lượng. Qua nắm bắt cơ sở, phát hiện một hiện tượng “không bình thường” là người dân tộc thiểu số ở các địa phương làm hộ chiếu tăng đột biến. Thống kê của lực lượng Công an, cho thấy năm qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên có gần 700 người vắng mặt tại địa bàn, trong đó nhiều người đã đi Lào. Bên cạnh đó tình hình hoạt động đạo trái phép trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các trưởng nhóm (tự phong) tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nhằm tuyên truyền, lôi kéo các tín đồ với 5 hệ phái khác nhau, tập trung ở khoảng 100 bản/19 xã, thuộc địa bàn của 12/17 đồn biên phòng. Quán triệt Chỉ thị của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tư lệnh Quân khu 2, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Điện Biên, về nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới năm 2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, chủ động phối hợp với các lực lượng, địa phương và vận động quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; tổ chức tuần tra đường biên, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị chức năng được tung vào cuộc. Với những nguyên tắc đúc kết trong công tác dân vận: “Chân thành - tích cực - thận trọng - kiên trì - tế nhị - vững chắc”, cùng với đó là phong cách: “Trọng dân - gần dân - hiểu dân - học dân - có trách nhiệm với dân”, người lính biên phòng Điện Biên đã hoà vào đời sống nhân dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Trên địa bàn biên giới với địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, chúng ta dễ dàng gặp ở đâu đó những chiến sỹ biên phòng đã và đang “nhập vai” bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, cán bộ khuyến nông khuyến lâm... đem yêu thương về với nhân dân. Các xã biên giới là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời, đó là địa bàn có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái; có tiềm năng về nông - lâm nghiệp, phát triển thủy điện, kinh tế cửa khẩu, là vùng có đa số đồng bào các dân tộc sinh sống. Xuân này, trên đường lên cửa khẩu A Pa Chải (huyện Mường Nhé), dù là công tác hay tham quan du lịch, xin quý khách hãy dừng chân thắp dù chỉ một nén hương cho điểm tưởng niệm cạnh Đồn Biên phòng 405 - Leng Su Sìn, để thể hiện lòng biết ơn tới 29 người lính biên phòng đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền biên giới quốc gia. Trong số 29 liệt sỹ, có 15 người hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc tháng 2/1979; có 8 người là con em của Mường Tè - Mường Nhé và tự hào thay, 7/8 người sinh ra trên chính quê mẹ thân yêu Sín Thầu - Mường Nhé. Trong biên niên sử các sự kiện Lai Châu trước đây và Điện Biên hôm nay, còn đó “trang vàng” với nội dung: Ngày 3/9/1973, Ban Công an xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu trước kia cũng như 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên hiện nay, Sín Thầu là đơn vị cấp xã đầu tiên có được vinh dự này; do có thành tích chiến đấu tiêu diệt hàng chục toán thổ phỉ và gián điệp, biệt kích khi chúng chọn ngã ba Mường Nhé làm điểm xâm nhập. Thế hệ trẻ hôm nay với tấm lòng tận trung báo quốc, thật không hổ danh chút nào với truyền thống bất khuất của cha anh. Từ các bản làng của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao... không khí tết cổ truyền đang đến rất gần. Những khó khăn của địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, đất rộng, người thưa... sẽ dần qua đi dẫu biết rằng không thể một sớm một chiều. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn, những cái tên: Mường Lói, Mường Nhà, Pa Thơm, Pa Tần, Nà Hỳ, Nà Khoa, Si Pa Phìn, Mường Toong, Chung Chải, Sín Thầu, Sen Thượng... đã và đang trở nên thân thuộc với nhiều người, kể cả là những người ngoài lực lượng biên phòng. Trước khi kết thúc buổi làm việc, tôi ngỏ ý xem đại tá Phạm Đồng Tuyên có muốn chia sẻ gì không. Ngừng một lát, viên chỉ huy từng mấy chục năm dầu dãi phong sương khắp nẻo biên thùy, giờ nói rất chậm và âm lượng như chỉ đủ cho mình tôi nghe: Xuân này, vào lúc tiếng trống giao thừa thúc giục lòng người, từ quê hương Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc... chắc sẽ có nhiều trái tim bâng khuâng hướng nhịp đập lên biên giới, lên Điện Biên. Xin các mẹ, các chị, các em... hãy an lòng và thật hiểu cho, vì người lính biên phòng Điện Biên còn bận thức gác nơi tiền đồn Tổ quốc, để giữ gìn sự bình yên cho Điện Biên và cho mùa xuân đất nước...