Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là kết quả của hiệu lực quản lý nhà nước về truyền thông

Thứ ba - 03/11/2015 21:15

Ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT trao đổi với báo chí bên lề buổi tổng kết Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT trao đổi với báo chí bên lề buổi tổng kết Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Đó là nhận định của ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT về chuỗi Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ TT&TT tổ chức trong giai đoạn từ tháng 6/2013 đến năm 2015.
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” giai đoạn 2013 - 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Triển lãm có tác dụng giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước yêu cầu mới. Với vai trò Phó Trưởng Ban tổ chức Triển lãm, ông Đoàn Công Huynh đã công bố Báo cáo tổng kết Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa được Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 30/10/2015, tại Hà Nội. Cụ thể, tính từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Hà Tĩnh, khai mạc ngày 2/6/2013, đến nay, sau hơn 2 năm, Bộ TT&TT đã tổ chức 41 cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tại 2 đơn vị lực lượng vũ trang, và đặc biệt có 9 cuộc triển lãm tổ chức ở các điểm đảo, huyện đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể tổng kết 5 dấu ấn lớn là chuỗi Triển lãm đã tạo được dấu ấn rất quan trọng trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, mức độ lan tỏa thông tin được thể hiện trên các mặt sau: 1. Thứ nhất, Triển lãm đã thực hiện được một chiến dịch truyền thông sâu rộng nhất từ trước tới nay về chủ quyền biển, đảo Chiến dịch truyền thông sâu rộng này hướng đến mục tiêu công khai, công luận và công pháp. Công khai bằng chứng, sự thật lịch sử để giành sự ủng hộ của công luận, nói lên tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam với người dân và bạn bè thế giới, góp phần chuẩn bị hồ sơ pháp lý phù hợp với công pháp quốc tế để phục vụ đấu tranh pháp lý lâu dài, và để khởi kiện ra tòa quốc tế khi điều kiện và thời cơ chín muồi. Triển lãm bắt đầu từ đầu tháng 6/2013, một năm sau đó, khi xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thì càng cho thấy mục tiêu công khai, công luận và công pháp là hoàn toàn đúng đắn và không thể chậm trễ hơn được nữa. Tại mỗi cuộc Triển lãm trong đất liền, thu hút từ nửa vạn đến hơn một vạn lượt người xem. Theo báo cáo tổng hợp, ở Hà Tĩnh có 12000 lượt và TP HCM 18000 lượt người xem. Một số tỉnh chưa được Bộ TT&TT đưa vào kế hoạch triển lãm cũng chủ động tự mượn tư liệu của đơn vị đã tổ chức và được tặng, để tổ chức triển lãm. Điển hình là Bắc Kạn đã mượn tư liệu của Thái Nguyên và tổ chức thành công tại TP. Bắc Kạn vào tháng 2/2014, tại thời điểm từ khi chưa xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981. Sau mỗi cuộc triển lãm do Bộ tổ chức tại địa phương, Bộ đều đã trao tặng lại toàn bộ tư liệu cho địa phương. Địa phương lại tiếp tục mang đi triển lãm lưu động ở các địa bàn khác, ở các huyện. Chuỗi sự kiện diễn ra như một cuộc chạy tiếp sức, tạo nên hiệu quả sâu rộng. Điển hình như tỉnh Quảng Nam. Bộ TT&TT tổ chức triển lãm tại thành phố Tam Kỳ và đã thu hút được 253 đoàn khách tham quan với 8000 lượt người xem. Sau đó, Quảng Nam tiếp tục tổ chức triển lãm lưu động tại 3 huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước thu hút được 251 đoàn khách tham quan với 6000 lượt người xem. Theo cách chạy tiếp sức đó, với 41 cuộc triển lãm vừa qua, ước tính đã có hơn 300 nghìn người đến xem và nghiên cứu trực tiếp để phục vụ công tác truyền thông, nghiên cứu, học tập. Với kế hoạch tiếp tục của 2 năm tới, Triển lãm sẽ sớm vượt quá con số 1 triệu lượt người dân tiếp cận trực tiếp tư liệu, hiện vật từ triển lãm. Trong sổ cảm tưởng đặt tại triển lãm, một người dân đã ghi: “Trăm nghe không bằng một thấy. Đến xem triển lãm mới hiểu rõ cái lý cái tình của cha ông chúng ta trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển khác của Tổ quốc”. Thông tin bằng cách kể chuyện thị giác qua kênh hình ảnh trực tiếp từ triển lãm là phù hợp với đông đảo người dân, đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt, lan tỏa xa và nhanh, tác động sâu và mạnh vào nhận thức. Có thể nói, lựa chọn chiến dịch truyền thông bằng cách thông tin trực tiếp đến người dân ở cơ sở thông qua triển lãm là một lựa chọn đúng đắn trong việc truyền thông về chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn vừa qua và hiện nay. Sắp tới sức lan tỏa của triển lãm sẽ còn mạnh hơn và lan tỏa ra ngoài nước, khi thực hiện triển lãm ở 4 quốc gia đã được phê duyệt trong kế hoạch là Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga và Cộng hòa Séc. Nói về hiệu quả của truyền thông, sổ ghi cảm tưởng ngày 11/1/2014 đã ghi lại ý kiến của PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ, như sau: “Qua các bằng chứng tư liệu trưng bày tại triển lãm, tôi và mọi người dân đều thấy rõ cơ sở lịch sử và pháp lý rất vững chắc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Cuộc triển lãm này sẽ góp phần hun đúc thêm tình cảm và ý chí của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc, vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của những kẻ rắp tâm xấm chiếm biển, đảo của dân tộc ta. Rất mong các cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc triển lãm tương tự ở tất cả các tỉnh, thành và thường xuyên hơn để con cháu chúng ta biết và quyết tâm, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình”. 2. Thứ hai là thành công về khởi động câu chuyện pháp lý Bên cạnh thành công của một chiến dịch truyền thông, Triển lãm còn trình bày cho người xem về một câu chuyện pháp lý khá mạch lạc và có hệ thống xung quanh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Với Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, lần đầu tiên, người xem được tiếp cận câu chuyện pháp lý một cách cơ bản nhất. Hình thành cho người xem một khung tham chiếu về pháp lý thông qua 11 nhóm tư liệu, hiện vật cơ bản: tư liệu trước triều Nguyễn và triều Nguyễn (1); tư liệu giai đoạn Chính quyền Pháp bảo hộ, đại diện thực thi chủ quyền ở Đông Dương (2); giai đoạn quản lý của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 (3); tư liệu thực thi chủ quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam từ sau Việt Nam thống nhất (4); tư liệu lịch sử của phương Tây về Trung Quốc và tư liệu của Trung Quốc về Trung Quốc chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa (5); tư liệu của phương Tây về Việt Nam và tư liệu của Việt Nam về Việt Nam chứng minh Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa (6); tư liệu về lịch sử bảo vệ biển đảo và sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược và tư liệu hiện vật về sự thật lịch sử của trận Gạc Ma năm 1988 (7); Trường Sa – cuộc sống sôi động hôm nay tại các xã đảo và các đảo, đá trên quần đảo Trường Sa (8); những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế qua các thời kỳ (9); Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và thế giới hôm nay (10); và tư liệu có liên quan của địa phương (10). Nhìn về khía cạnh pháp lý, sổ ghi cảm tưởng có bút tích của PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Viện nghiên cứu biển và hải đảo: “Cuộc triển lãm lần này thêm một lần nữa công bố những bằng chứng lịch sử pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chứng minh những hành động của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn phi pháp, trái pháp luật quốc tế”. 3. Thứ ba, thành công của Triển lãm cũng chính là trưng bày lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, trách nhiệm và bổn phận của lãnh đạo và công dân đối với biển đảo thiêng liêng Triển lãm gây được cảm xúc về lòng yêu nước, tình cảm dân tộc, gia tăng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng lòng tin trong nhân dân. Triển lãm cũng là nơi để các em học sinh thực hành bài ngoại khóa về lịch sử chủ quyền biển đảo. Em Nguyễn Võ Duệ Nhã, lớp 6/3 trường THCS Kim Đồng, TP.Đà Nẵng, đã viết vào sổ cảm tưởng ngày 19/1/2014: “Từ nhỏ em rất thích được khám phá lịch sử nước ta. Em đã được biết rất nhiều vị vua, những trận đánh vẻ vang của nước ta. Mặc dù vậy, nhưng em chưa được tìm hiểu về Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi xem các hiện vật ở đây, em càng được hiểu biết nhiều hơn về Hoàng Sa và Trường Sa. Em đã được biết từ năm 1974, Trung Quốc sang đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta, nhân dân ta đã kiên quyết chống trả lại chúng.” Sổ cảm tưởng ngày 19/1/2014 cũng ghi nhận dòng chữ sau đây của Tập thể lớp 5/3 trường Tiểu học Phan Thanh, TP Đà Nẵng: “Việt Nam thân yêu ơi! Đất nước của tôi ơi! Những tình cảm của tôi sẽ mãi dành cho tổ quốc này. Tôi yêu Việt Nam”. 4. Thứ tư là kết quả của hiệu lực quản lý nhà nước về truyền thông Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” nhằm triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X (Chiến lược này được T.Ư phê duyệt từ năm 2007). Tháng 12/2012, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố sử dụng tài liệu, bản đồ, ấn phẩm và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đã sưu tầm và hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Mặc dù vậy, công việc triển khai vẫn còn chậm, cho đến khi lãnh đạo Bộ TT&TT quyết đoán chỉ đạo tổ chức thực hiện Triển lãm và khi hình thức truyền thông này được lựa chọn thành công thì các văn bản nói trên như thực sự được tiếp thêm sức mạnh để vận hành trong thực tế quản lý nhà nước. Từ tư liệu đầu tiên do TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng chủ trì, được triển lãm lần đầu tại Thành phố Đà Nẵng tháng 1/2013, sau đó được nâng cấp để trở thành triển lãm đầu tiên của Bộ TT&TT từ tháng 6/2013. Cho đến nay, đã qua 3 lần bổ sung cơ bản và nhiều lần bổ sung từng cá thể tư liệu. Gần như mỗi lần triển lãm là một lần thêm mới, trong đó có những tư liệu liên quan tới địa phương - nơi tổ chức triển lãm. Đã có những tài liệu sưu tầm được đánh giá là “vô giá”, và khi tiếp nhận đã trở thành một sự kiện truyền thông quan trọng. Đó là trường hợp sưu tầm bộ Atlas Universal của nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelan xuất bản năm 1827. Về hiệu lực quản lý truyền thông, cần nói thêm, các cuộc triển lãm đều có sự chỉ đạo truyền thông chặt chẽ. Trong đó, các binh chủng thông tin được phối hợp với nhau, tiếp sức cho nhau. Thông tin cơ sở với hình thức triển lãm trực tiếp này được nối dài và lan tỏa bởi truyền thông đại chúng ở mỗi lần tổ chức. Bên cạnh truyền thông nhanh về tính thời sự của sự kiện, còn có truyền thông chậm để khai thác nhiều góc độ khác nhau của triển lãm: pháp lý, văn hóa, môi trường, lịch sử… Khái niệm truyền thông nhanh và truyền thông chậm lần đầu được vận dụng tại nước ta để chỉ đạo truyền thông cho các cuộc triển lãm này. Mặt khác, xung quanh triển lãm còn có họp báo, trả lời phỏng vấn, truyền hình trực tiếp, gián tiếp, và tập huấn truyền thông về biển đảo. Có thể nói, sức mạnh truyền thông được huy động tổng lực cho mỗi một sự kiện triển lãm. Lãnh đạo Bộ đã căn cứ chức năng của các đơn vị thuộc Bộ, và của đơn vị tham mưu địa phương để chỉ đạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ qua từng cuộc triển lãm. Đó là Văn phòng Bộ với Trung tâm Dịch vụ TT&TT là đơn vị thực hiện thi công trực tiếp, Cục Thông tin đối ngoại có nội dung liên quan, Vụ Thông tin cơ sở là đơn vị quản lý hệ thống tuyên truyền cổ động cơ sở nơi có tổ chức triển lãm, và các Sở TT&TT địa phương với chức năng tham mưu tổng hợp cho ngành tại địa phương nơi tổ chức. 5. Thứ năm Triển lãm là cuộc trưng bày về lòng tri ân Tri ân tiền nhân đã đổ mồ hôi xương máu để lại cơ đồ cho chúng ta có một tổ quốc sơn hà, tổ quốc không gian và tổ quốc đại dương để chúng ta sinh tồn, và gìn giữ cho con cháu muôn đời. Chúng ta tri ân những người dân giữ biển, giữ đảo, giữ ngư trường truyền thống. Tri ân đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải, tri ân những thủy binh Hoàng Sa triều Nguyễn. Tri ân những tử sĩ, liệt sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo qua các triều đại khác nhau. Tri ân những người dân hôm nay, bà con trong nước, Việt kiều ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã bỏ công sức, tiền của để sưu tầm tư liệu, hiện vật, rồi hiến tặng tư liệu, hiện vật để cho chúng ta chuẩn bị và tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý đòi lại biển đảo của cha ông chúng ta. Tri ân những bạn bè thế giới đã ủng hộ Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Trong đó, có Thủ tướng Hà Lan, đã trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tấm bản đồ góp phần xác định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Việt Nam từ trong lịch sử. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Đoàn Công Huynh nhấn mạnh, cuộc đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo của truyền thông chúng ta có nhiều tiến bộ. Tháng 10/2014, tại một hội nghị tổng kết về tuyên truyền biển đảo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng đều thống nhất đánh giá thông tin trên báo chí trong thời gian qua đã góp phần làm cho nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn tính chính nghĩa, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo; góp phần tạo sự đồng thuận xã hội về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý các vấn đề biển, đảo; thúc đẩy giải quyết tranh chấp biển, đảo và các vấn đề nảy sinh trên biển bằng biện pháp hòa bình. Thông tin trên báo chí đã góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế. Cũng theo ông Đoàn Công Huynh, truyền thông về biển đảo là một lĩnh vực khó. Trong vài năm qua truyền thông chúng ta đã thực sự làm tốt hơn, ít sai sót hơn. Trong đó, chắc chắn có phần đóng góp của cuộc chạy marathon tiếp sức của 41 cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” của Bộ TT&TT trong hơn 2 năm qua./.

Tác giả: Xuân Lộc

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây