DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 20/12/2016 21:24
DIC- Là tỉnh đa dạng về thành phần dân tộc, phong phú về sắc màu văn hóa, tỉnh Điện Biên hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Xòe Thái, Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng.
/uploads/news/2017_02/4.1.png Vòng Xòe đoàn kết các dân tộc Điên Biên. Xòe Thái là một trong những điệu múa phổ biến nhất của dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên. Xòe giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái, ở nơi đâu, trong bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào ta cũng dễ dàng bắt gặp người dân đang xòe. Ở những vòng xòe ấy, người ta không phân biệt người già hay người trẻ, là nam hay nữ, là người giàu hay người nghèo chỉ vang tiếng cười và tiếng trống. Chính vòng xòe đã làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ người với người gắn bó hơn, đoàn kết hơn. /uploads/news/2017_02/4.2.png Lễ hội đền Hoàng Công Chất - Điện Biên. Nào Pê Chầu dịch sang tiếng phổ thông là “ăn tết ngày 30”. Ngày 30 tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Đây là dịp để dân tộc Mông thực hiện các nghi thức tâm linh thành kính nhằm thể hiện tấm lòng đối với tổ tiên và cầu mong an phúc, thịnh vượng đồng thời là dịp vui chơi, giao lưu với các dân tộc anh em khác trong vùng, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tăng tình đoàn kết xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Kin Pang Then theo tiếng phổ thông nghĩa là ăn mừng Lễ Tạ ơn trời hay còn gọi là Lễ mừng mệnh Then hoặc Lễ hội Then. Người Thái Trắng quan niệm, mỗi thầy Then trần gian đều có một vị thần hộ mệnh, bảo trợ và che chở vừa là thầy giúp thầy Then trần gian chữa trị bệnh tật, cứu giúp con người. Mỗi năm, vào dịp đầu xuân (từ 10 - 15 tháng 1 âm lịch), thầy Then lại tổ chức lễ Kin Pang Then để gặp mặt các con nuôi (những người được thầy Then chữa lành bệnh, qua hoạn nạn) có dịp về tạ ơn thầy của Then, thầy Then và các thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho họ một năm an lành, hạnh phúc và phát đạt. Lễ hội đền Hoàng Công Chất là lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Mường Thanh trước đây và của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên hiện nay để tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng Công Chất - Người đã có công đoàn kết các dân tộc xuôi ngược đánh đuổi giặc Phẻ, chống lại sự áp bức bóc lột của triều đình phong kiến, giải phóng Mường Thanh đem lại cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc cho nhân dân ở thế kỷ XVIII. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào các ngày 24, 25 tháng 2 âm lịch tại đền thờ Hoàng Công Chất - tọa lạc trong Thành Bản Phủ, thuộc xã Noong Hẹt huyện Điện Biên. Đây là dịp để mọi người được sống lại những thời khắc lịch sử hào hùng nghĩa quân chiến thắng giặc Phẻ và đắm mình trong không gian linh thiêng của lễ hội, tăng tình đoàn kết các dân tộc, cùng nhau tưởng nhớ công ơn của Hoàng Công Chất và các vị tướng lĩnh, thành tâm cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân an vật thịnh. /uploads/news/2017_02/4.3.png Văn nghệ chào mừng Lễ Công bố di sản phi vật thể Quốc gia. /uploads/news/2017_02/4.4.png Hát ống (Cha xái) của dân tộc Mông. Ngoài ra tỉnh Điện Biên còn có trên 35 lễ hội khác được lưu giữ, trong đó có trên 20 lễ hội được tổ chức thường xuyên, đây là loại hình văn hóa phi vật thể, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên./.