DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 21/12/2016 03:35
DIC- Là tỉnh có đường biên giới dài hơn 400,86 km tiếp giáp với 02 quốc gia Lào và Trung Quốc, tỉnh Điện Biên xác định phát triển kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác đối ngoại.
/uploads/news/2017_02/3.1.png Bộ trưởng Bộ Công thương Lào tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào . Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chính sách, pháp luật của Việt Nam và quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức đón tiếp các đoàn cán bộ các ngành, các cấp của Lào, đoàn cán bộ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan sang tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm và ký biên bản hợp tác. Thực hiện tốt chương trình vận động, hỗ trợ chính thức (ODA), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tăng cường nguồn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng trong tỉnh; tiếp nhận các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư hỗ trợ vào Điện Biên. Tạo điều kiện và khuyến khích các văn phòng đại diện nước ngoài mở tại địa bàn tỉnh… Trong hợp tác phát triển thương mại với các tỉnh Bắc Lào, cùng với việc ký biên bản hợp tác phát triển thương mại từng giai đoạn, Điện Biên đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu… Hoạt động thương mại biên giới được tăng cường trên tất cả các mặt. Hằng năm, Điện Biên đã tổ chức các đoàn cán bộ các sở, ngành và doanh nghiệp đi khảo sát và tìm kiếm thị trường, mở văn phòng đại diện tại các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp, thương nhân tỉnh Điện Biên đã xuất khẩu sang Lào với khối lượng hàng hóa ngày càng tăng, tập trung vào các loại nguyên vật liệu, hàng hóa, xi măng Điện Biên, sắt thép phục vụ thi công các công trình của các tỉnh Bắc Lào và cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hai bên phối hợp triển khai khảo sát xây dựng các cặp chợ biên giới tại khu vực Nà Hỳ - Nà Khoa; Si Pa Phìn - Huổi Lả; Huổi Puốc - Na Son... theo quy hoạch chợ biên giới Việt Nam - Lào được Bộ Công Thương phê duyệt, tạo điều kiện cho nhân dân qua lại trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động biên mậu, tăng cường khai thác và phát huy lợi thế các cửa khẩu, lối mở đẩy mạnh hoạt động buôn bán qua biên giới. /uploads/news/2017_02/3.2.png Hàng mỹ nghệ của Lào được giới thiệu tại Điện Biên. Đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, Điện Biên tham gia phiên họp nhóm liên hợp giữa 4 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc); đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Điện Biên và Vân Nam trong từng giai đoạn. Tổ chức hội đàm thống nhất nội dung để phát triển thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung, hoạt động giao thương qua lối mở từng bước phát triển. Hiện nay, khu vực này đã hình thành chợ biên giới, tạo thuận lợi cho nhân dân 2 bên thăm thân, trao đổi hàng hóa góp phần phát triển kinh tế tại khu vực, nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới. Tỉnh Điện Biên cũng xây dựng đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách tại lối mở A Pa Chải; thành lập tổ công tác liên ngành quản lý, chỉ đạo điều tiết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tái xuất thí điểm qua lối mở A Pa Chải. Chỉ đạo việc đầu tư xây dựng chợ tạm kết hợp xây dựng kho, bến bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại lối mở A Pa Chải… Với nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả, công tác ngoại giao kinh tế của Điện Biên đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 5 năm qua (2011 - 2015) đạt 148,17 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 26%/năm. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 42,5 triệu USD, tăng 3,19 lần so thực hiện năm 2010. Trong đó xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 93 triệu USD (giá trị xuất khẩu hàng hóa do các doanh nghiệp địa phương thực hiện đạt 62,28 triệu USD) chủ yếu là các mặt hàng xi măng, vật liệu xây dựng, nông sản và hàng tiêu dùng sang thị trường Lào. Tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn trên đạt 54,7 triệu USD, chủ yếu là ngô, gỗ xẻ, thiết bị nhà máy thủy điện và hàng hóa tiêu dùng. /uploads/news/2017_02/3.3.png Khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu gian hàng của tỉnh Điện Biên tham gia hội chợ thương mại tại Thái Lan. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 350 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 22,67%; đến năm 2020 đạt 100 triệu USD, tỉnh sẽ cụ thể hóa các Hiệp định thương mại tự do Chính phủ đã ký kết thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm nhằm khai thác tối đa cơ hội để phát triển. Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước có chung biên giới, đặc biệt là với các tỉnh Bắc Lào; tổ chức các hội thảo, hội nghị, hội đàm xúc tiến về thương mại và đầu tư, ký kết hợp tác thương mại định kỳ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Mở rộng tiếp thị nắm bắt kịp thời thông tin thị trường trong nước, quốc tế và thị trường các tỉnh Bắc Lào, Thái Lan và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Liên doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao hiệu quả tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu gắn phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp với phát triển cửa khẩu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu Tây Trang, khu vực cửa khẩu Huổi Puốc, khu vực lối mở A Pa Chải đưa các khu vực này trở thành trung tâm trung chuyển, giao dịch hàng hóa của tỉnh và các tỉnh vùng Tây Bắc với CHDCND Lào, Trung Quốc và Thái Lan. Liên kết với các tỉnh để khai thác nguồn hàng xuất khẩu để phát huy lợi thế của tỉnh có cửa khẩu biên giới và đặc biệt quan tâm xuất khẩu tại chỗ thông qua đón khách du lịch quốc tế và xuất khẩu lao động./.