DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/08/2013 21:48
Tọa đàm - giao lưu trực tuyến "Báo điện tử và sự nổi tiếng" được báo điện tử VnMedia tổ chức tại Hà Nội sáng 1/8. Ảnh: M.Q
Trong buổi tọa đàm "Báo điện tử và sự nổi tiếng", ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét, mạng xã hội đang có sức mạnh hơn báo điện tử và trang tin điện tử, bởi vì những giá trị chân thực của báo điện tử và trang tin điện tử đang bị giảm sút.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (6/8/2003 – 6/8/2013), Báo điện tử VnMedia đã tổ chức buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến với chủ đề "Báo điện tử và sự nổi tiếng" vào sáng 1/8/2013 tại Hà Nội. Tham dự có ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia, cùng 3 khách mời là ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh và Á hậu Việt Nam 2008 Thụy Vân. Sự kiện được diễn ra trong thời điểm Báo điện tử VnMedia sắp tròn 10 năm thành lập, cũng là thời điểm báo điện tử cũng như thông tin điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Chia sẻ quan điểm về sự phát triển của báo điện tử Việt Nam so với thế giới, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, sự phát triển Internet đem lại sự thay đổi cho kinh tế xã hội. Ban đầu Internet được coi là môi trường hạ tầng nhưng nay chuyển sang môi trường thông tin, chính điều đó tạo điều kiện rất tốt cho báo điện tử. Về vai trò của báo điện tử để tạo sự nổi tiếng, ông Liên cho rằng: Báo điện tử có thể đưa một người vô danh thành người hùng nhưng cũng có thể "giết chết" hình ảnh của một người rất nhanh chóng. Do đó, mặc dù có hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhưng chúng ta cần phải thắng được Internet ở "phần hồn" thì mới thực sự hoàn thiện. Hiện tượng "Bà Tưng" được nhắc đến để ví dụ cho một cách lợi dụng báo điện tử và mạng xã hội nhằm tạo sự nổi tiếng. Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, bản thân ông không thích hiện tượng "Bà Tưng" nhưng phải chấp nhận những hiện tượng như vậy. Hiện nay mạng xã hội đang thống lĩnh và một số người muốn nổi tiếng họ đã tận dụng môi trường mạng xã hội để tạo sự nổi tiếng. Tuy nhiên, người muốn marketing theo kiểu "Bà Tưng" chỉ đạt được sự chú ý chứ chưa được thừa nhận là nổi tiếng. Song ông Liên nhận xét, chính phản ứng của cộng đồng mạng gián tiếp cho người gây scandal nổi tiếng hơn, để không bị lợi dụng tốt hơn hết cộng đồng xã hội nên dùng các công cụ offline để phản ứng cũng như ngăn chặn các ý đồ muốn gây sự chý ý kiểu này. Á hậu Thụy Vân nhận xét, nhiều người còn cố tình đưa ra những hình ảnh của mình trên Facebook để được các báo chí đưa lại. Vì vậy trên Facebook cũng cần giữ lời, không phải muốn nói gì, đăng gì trên Facebook cũng được. Ca sĩ Tấn Minh cho biết, bản thân anh chỉ tin 70% những gì đọc được trên báo, vì thế người đọc cũng cần phải tự bảo vệ và sàng lọc thông tin. Nhưng điều lo ngại nhất là những thông tin kiểu "Bà Tưng" sẽ ảnh hưởng đến cả 2 thế hệ là con trẻ và người già. Thế hệ trẻ và phần lớn những người lớn tuổi đều tin 100% vào những gì mà các tờ báo chính thống nói. "Tôi mong các báo điện tử cân nhắc khi đưa tin, không nên biến thành công cụ của những người nổi tiếng kiểu Bà Tưng", ca sĩ Tấn Minh nói. Ca sĩ Mỹ Linh thì nói: "Tôi không biết Bà Tưng là ai, bản thân tôi có cơ chế tự kiểm duyệt thông tin, thấy thông tin gì nhảm nhí thì không đọc.Và bản thân mỗi người trong xã hội cần quan tâm hơn đến giới trẻ, cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức để con tự biết là con cần đọc những gì và xem những gì". Ca sĩ Mỹ Linh đề nghị các trang tin điện tử đăng lại thông tin trên báo in và báo mạng phải đăng nguyên văn và đề rõ tên tác giả, là một cách đảm bảo độ chính xác và tin cậy của thông tin. Ông Liên thẳng thắn nhận xét, mạng xã hội đang có sức mạnh hơn cả các báo điện tử và trang tin điện tử bởi một phần những giá trị chân thực của báo điện tử và trang tin điện tử đang bị giảm sút. Báo điện tử và các nhà báo cần có trách nhiệm hơn nữa để mang lại những giá trị chân thực nhằm thu hút độc giả đến với những thông tin chính thống và đáng tin cậy hơn. Theo ông Liên, chúng ra không nên dùng quan niệm xiết chặt quản lý, mà phải coi việc xử lý thông tin sai trái là việc đáng làm hàng ngày. Nếu có tin vu khống thì xử lý ngay trong ngày, coi việc đó là việc vốn có hàng ngày.