Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Do vậy, trong công tác chỉ đạo Ngành, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về các lĩnh vực: Chuyển đổi số; báo chí - xuất bản; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; công tác quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông tại các huyện, thị xã và thành phố. Với điểm nhấn là toàn Ngành thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024).
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên (Ảnh: Phạm Hải)
Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh đã tích cực tham mưu và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Triển khai nền tảng công nghệ đô thị thông minh; thiết bị và phần mềm họp không giấy tờ; ứng dụng Điện Biên Smart, phản ánh hiện trường, giám sát thông tin trên môi trường mạng; phần mềm quản lý camera giám sát; phối hợp trong việc phát triển dữ liệu số, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin mạng (100% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các cơ quan, đơn vị được phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% hệ thống thông tinh của các cơ quan Nhà nước được giám sát đảm bảo an toàn thông tin mạng). Hiện tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xây dựng Cổng dữ liệu mở và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cơ sở dữ liệu dùng chung Ngành Giáo dục và Đào tạo Lao động, Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng...
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trên 86%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx (chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn) đạt tỷ lệ trên 84%. Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%.
Xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân. Chuyển đổi số “lấy người dân làm trung tâm” để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành tham mưu đến nay hạ tầng xã hội số được triển khai rộng khắp, gần 80% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số; Tỷ lệ người dân được phổ biến và sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, VneID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, lưu trú, tạm trú, tích hợp giấy tờ như thẻ Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe;...) ngày càng tăng. Toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ công dân kích hoạt được khoảng 90% tài khoản định danh điện tử/tổng số nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên. 100% hồ sơ thủ tục hành chính do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và các phần mềm, hệ thống của các Bộ, ngành Trung ương.
Song song với đó, Sở thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao đổi, cung cấp thông tin để kịp thời chỉ đạo, định hướng thông tin đối với cơ quan báo chí. Chủ động liên hệ khớp nối, thực hiện ký kết hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí Trung ương như Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam; Báo Thế giới và Việt Nam; Lữ hành Saigontourist; Trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam; Tạp chí Heritage và Tạp chí Heritage fashion của Hãng Hàng không Vietnam Airlines; Đời sống và pháp luật; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC… thống nhất nội dung triển khai, hình thức phối hợp tuyên truyền, thời điểm cần tuyên truyền đậm nét đối với 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Điện Biên; những kết quả đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; để Nhân dân, du khách được biết đến tham gia trải nghiệm. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung tới đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, tạo tiền đề để thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với Sở ngay sau Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp, triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung trọng tâm:
Đ/c Vũ Anh Dũng - Giám đốc Sở TT&TT giới thiệu Hệ thống camera giám sát của Trung tâm điều hành thông minh với Đoàn Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên (Ảnh: Thảo Trang)
Tập trung quản lý theo dõi thông tin báo chí phản ánh về tỉnh; chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị phản hồi thông tin và trả lời thông tin trên báo chí có liên quan đến tỉnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, xử lý sai phạm về đưa thông tin sai trái, xấu, độc trên nền tảng mạng xã hội.
Quan tâm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, tăng cường thông tin tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng của tỉnh đến Nhân dân các dân tộc; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đổi mới cách làm, ứng dụng các công nghệ để tăng tương tác với người dân, để người dân phản ánh thực trạng ở cơ sở, tham gia cùng các cơ quan Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin và truyền thông tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Triển khai phát triển thương mại điện tử, hạ tầng chuyển phát, dịch vụ đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nền tảng công nghệ thông minh và đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Kết nối, khai thác, phân tích triệt để thông tin, làm giàu dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia; hệ thống thông tin triển khai từ Trung ương đến địa phương. Mở dữ liệu, tạo dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, có giải pháp tối ưu đảm bảo an toàn an ninh thông tin không chỉ ở khối các cơ quan Nhà nước. Khuyến khích, hỗ trợ, dẫn dắt trên cơ sở ưu thế để mỗi ngành có một nền tảng số.
Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai băng tần 700 MHz. Đây là một trong những giải pháp có thể triển khai phủ sóng trong thời gian sớm nhất để tăng tỉ lệ tiếp cận đối với khoảng 100.000 người dân (chiếm 16% dân số toàn tỉnh) chưa được tiếp cận mạng Internet. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động phong trào quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách để tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, vùng khu vực khó khăn để người dân thụ hưởng, góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, bảo đảm yêu cầu, tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 ngành Thông tin và Truyền thông theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, của tỉnh: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, giải quyết các “điểm nghẽn” trong triển khai, thực hiện Đề án 06; đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; triển khai thực hiện 20 dịch vụ công trực tuyến không giấy.
Bằng việc đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường phối hợp 3 bên “Địa phương - Trung ương - Doanh nghiệp” chủ động tham mưu về chuyển đổi số tạo đột phá để thúc đẩy phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại phục vụ cho mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh… ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của Ngành trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.