Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là chủ trương hết sức đúng đắn và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức năng lực về nhiều mặt và trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất. Đồng thời, là một phương thức hiệu quả gốp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống xã hội và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phát động và khuyến khích phong trào đọc sách trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; duy trì và đổi mới hình thức tổ chức Ngày sách Việt Nam theo hướng hiệu quả, phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện thực tế của địa phương; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án
Sau 15 năm triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Bí thư Trung ương Đảng (giai đoạn 2009 - 2023), trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được trang bị hơn 600 đầu sách và một số đĩa CD-ROM, CD Audio, DVD. Các loại sách do Đề án trang bị có hình thức trình bày đẹp, cập nhật những thông tin mới, bổ ích với các nội dung về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kỹ năng quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; giới thiệu các mô hình tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng nợ xấu, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, việc làm và dạy nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số và kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn xử lý tình huống về thủ tục hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sách về những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Hướng dẫn xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh,…. Đây là nguồn thông tin chính thống, cập nhật những kiến thức mới nhất về khoa học, đời sống, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đáp ứng nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở; đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, nhất là trong giai đoạn công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay.
Trường Mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên hưởng ứng phong trào học tập suốt đời năm 2024 với Chủ đề"Phát triển văn hoá đọc thúc đẩy học tập suốt đời" (Ảnh: Lù Thuỷ)
Các ấn phẩm thường xuyên được tìm đọc là những đề tài liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gương người tốt việc tốt, gương người nghèo vươn lên trong học tập, làm kinh tế để ổn định cuộc sống và những sách liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, con giống, cây giống... Ngoài ra, cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp xã thường xuyên tìm đọc một số đầu sách liên quan đến công tác quản lý, lãnh đạo, các chủ trương lớn của Đảng, các quy định thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước, những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong điều kiện kinh phí ở xã, phường còn khó khăn, việc trang bị sách cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào công tác, sản xuất được xem là việc làm rất hữu ích và thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Giảng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Thành phố Điện Biên phủ có 12/12 xã, phường được cấp sách theo Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Hiện nay thành phố có 40 tủ sách pháp luật; trong đó 11/12 xã, phường có tủ sách, 03 tủ sách tại các cơ quan, đơn vị chuyên môn của thành phố, 27 tủ sách tại các trường học. Trung bình mỗi tủ sách pháp luật có khoảng từ 70- 90 đầu sách pháp luật. Định kỳ hằng năm, UBND thành phố chỉ đạo bổ sung trên 150 cuốn sách/năm vào thư viện sách của thành phố để phục vụ việc đọc sách của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc. Đến nay, tổng số sách hiện có 5.700 cuốn; trong đó, sách chính trị 500 cuốn, sách văn học 2.050 cuốn, sách khoa học kỹ thuật 650 cuốn, sách thiếu nhi 2.500 cuốn. Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường đều xây dựng nội quy, quy chế của tủ sách. Để đảm bảo cho tủ sách pháp luật được quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, 100% các xã, phường có tủ sách pháp luật đã bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm quản lý; tại các cơ quan, đơn vị bố trí công chức làm nhiệm vụ văn thư, lưu trữ quản lý tủ sách pháp luật; các trường học bố trí cán bộ thư viện quản lý tủ sách pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tuân thủ quy trình cập nhật sách mới; lập sổ theo dõi việc khai thác tủ sách (mượn, trả sách, tài liệu)”.
Đối với các loại đĩa CD, DVD-ROM do Đề án cung cấp cho các xã, phường, thị trấn được thiết kế có khả năng đọc, hiển thị các loại dữ liệu thông dụng hiện nay, chạy tốt trên máy tính cá nhân, hệ điều hành windows các phiên bản khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng, cập nhật thông tin trên các phương tiện hiện đại.
Để thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng và khai thác ấn phẩm của Đề án, các cấp ủy, chính quyền cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí đặt tủ sách cho phù hợp như: Tại thư viện các huyện, thị xã, thành phố; trụ sở xã, nơi tiếp công dân hoặc Bưu điện văn hóa xã hoặc trung tâm học tập cộng đồng của xã; phân công cán bộ phụ trách và xây dựng, ban hành nội quy khai thác, sử dụng sách. Các đầu sách và tài liệu phân bổ được phân loại, sắp xếp theo từng lĩnh vực, lập sổ quản lý, xây dựng mục lục để thuận lợi cho việc theo dõi, lưu trữ cũng như việc nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn ứng dụng Công nghệ thông tin, tìm hiểu, khai thác tư liệu, sách trên “Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn” có địa chỉ truy cập tại thuviencoso.vn do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xây dựng.
Có thể khẳng định rằng, sau 15 năm triển khai Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác dụng tốt, là công cụ, phương tiện giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, thách thức nhất định, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; trên 80% dân số là dân tộc thiểu số, sinh sống phân tán, trình độ dân trí không đồng đều; một số cơ sở còn khó khăn, chưa có phòng đọc riêng, việc bố trí nơi đọc cho nhân dân còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc tiếp cận sách của người dân. Một số đầu sách của Đề án cung cấp chưa phù hợp với đối tượng ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu các đầu sách, tài liệu về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán các vùng miền. Bên cạnh đó, do sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin với sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới cung cấp nhiều thông tin đa dạng, phong phú dẫn đến, việc đọc sách giấy theo lối truyền thống đang dần bị thay thế bởi cách tiếp nhận thông tin nhanh nhạy hơn trên môi trường internet của người dân, nên việc đến tủ sách ở cơ sở khai thác, sử dụng, đọc sách còn hạn chế.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Ðề án, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả sách của Đề án. Gắn việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương. Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Ban Bí thư, về mục đích, yêu cầu của Ðề án. Ðồng thời, cần tổ chức luân chuyển sách của Ðề án đến tủ sách các thôn, bản để Nhân dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách, tìm hiểu học tập và áp dụng vào sản xuất, đời sống. Trong công tác quản lý, tổ chức phong trào đọc sách ở cơ sở, cần nghiên cứu mô hình hợp nhất các nguồn sách từ tủ sách lý luận chính trị, sách pháp luật, bưu điện văn hóa… gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo về thông tin vùng đồng bào dân tộc tiểu số phù hợp với đối tượng tiếp nhận, khai thác, sử dụng sách của Ðề án.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí không gian phù hợp, thoải mái để người đọc dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu; đồng thời huy động, trang bị thêm các đầu sách, tư liệu cho các tủ sách tại các thôn, tổ dân phố, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách của Đề án; hằng năm tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án; kịp thời phát hiện những mô hình tốt để phổ biến rộng rãi, phản ánh những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành ích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án